Nông Dân Trồng Đao Riềng Điêu Đứng Vì Giá Thấp

Dịp cuối năm, trong khi hàng loạt các loại hàng hóa tiêu dùng thi nhau tăng giá, các sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp khác cũng bị thương lái găm hàng đẩy giá lên thì lại xảy ra một nghịch lý với cây đao riềng.
Vụ năm nay ở Yên Bái, giá xuống thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Nông dân thu hoạch đao riềng mà buồn. Hy vọng về một cái tết tươm tất với nhiều hộ nông dân đã không còn…
Nông dân đua nhau mở rộng diện tích
Những ngày cuối năm, người dân các xã ven sông Hồng từ Minh Quân, Minh Tiến, Quy Mông (Trấn Yên - Yên Bái) đến Xuân Ái, Hoàng Thắng (Văn Yên)… đang tấp nập thu hoạch đao riềng.
Trong một vài năm trở lại đây, cây đao riềng được giá, nông dân các xã ven sông Hồng đua nhau mở rộng diện tích từ vài chục héc-ta nay đã lên tới hàng trăm héc-ta. Riêng huyện Trấn Yên, diện tích đã lên tới 90ha, sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ đang bế tắc, dẫn đến một điều tất yếu như đã xảy ra đối với nhiều loại cây khác: được mùa rớt giá.
Nếu như vụ trước, đao riềng được mùa lại được giá, hộ trồng ít cũng thu về hàng chục triệu đồng, hộ trồng nhiều kết hợp với thu mua và sơ chế bột đao thì có thu nhập tới cả trăm triệu đồng thì năm nay, giá xuống thấp, lợi nhuận chưa bằng một nửa.
Gia đình ông Thanh ở xã Quy Mông vụ này có 5 sào trồng cây đao riềng. 5 sào đao nhà ông năm nay thu được sản lượng hơn 12 tấn đao củ. Nếu như với giá bán từ 1.200 - 1.300 đồng/kg củ như vụ trước thì gia đình ông Quyết cũng thu về trên 15 triệu đồng. Nhưng năm nay, giá xuống chỉ còn 500 đồng một cân nên ông chỉ thu về được 6 triệu đồng.
Ông Thanh cho biết: “Tôi không nghĩ giá năm nay lại xuống thấp như vậy. Trừ chi phí thì vụ năm nay cũng chẳng lãi được bao nhiêu”.
Tương tự, hộ bà Lê Thị Dung ở xã Quy Mông có hơn 10 sào đất soi bãi màu mỡ ven sông Hồng trồng đao riềng. Ước tính vụ năm nay, gia đình bà thu gần 30 tấn củ. Vụ trước, bà thu được 32 triệu đồng. Vụ năm nay, bà chỉ bán được 15 triệu đồng. Mới chỉ chuyển sang trồng cây đao riềng được 3 vụ gần đây nhưng cuộc sống của gia đình bà Dung đã khá lên trông thấy vì so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác, giá trị kinh tế của cây đao riềng cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến tâm lý của bà và những hộ dân khá lo lắng. Bà Dung cho biết: “Ba năm nay trồng đao riềng, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác và tôi vẫn có thể trồng xen thêm 1 vụ ngô. Tuy giá năm nay xuống thấp nhưng tôi dự định trong năm tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng đao để tăng thu nhập. Tôi hy vọng sang năm giá sẽ cao hơn!”.
Tìm hướng đi cho cây đao riềng
Không thể phủ nhận rằng, đã có thời gian, cây đao riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, không có quy hoạch, không có sự quan tâm tìm kiếm mở rộng thị trường nên đã dẫn đến hậu quả như hiện nay, nông dân chết đứng vì giá thấp.
Tránh tình trạng bị ép giá sản phẩm từ các thương lái, đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp; cần tổ chức thành lập đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm về cơ chế đầu tư, hình thức kinh doanh bền vững ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Cạn...
Song song là mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh; xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, đại lý bán hàng, doanh nghiệp, tư nhân... nhằm đảm bảo nguồn tiêu thụ hợp lý. Cần thiết phải có một tổ chức liên kết các hộ nông dân trồng cây đao riềng, có thể là thành lập các hợp tác xã sản xuất, chế biến đao riềng với mục đích liên kết các cơ sở chế biến tinh bột dong, sản xuất miến, tạo thành một khối thống nhất đoàn kết, tương trợ, hợp tác cùng có lợi, tạo điều kiện để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm củ dong riềng ở địa phương do người dân làm ra, bình ổn giá thu mua đầu ra, đầu vào.
Có thể bạn quan tâm

Anh Phạm Thận, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bắc Phong (Thuận Bắc) không những tích cực công tác xã hội mà còn làm kinh tế gia đình giỏi. Anh là người đi đầu ở thôn Mỹ Nhơn thực hiện mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC) mang lại hiệu quả cao.

Chúng tôi gặp Nguyễn Thanh Thọ 45 tuổi đang chăm chút cột cành cây khổ qua chuẩn bị lên giàn. Anh Thọ nêu gương nông dân cần mẫn làm ăn căn cơ nuôi con ăn học chu đáo ở thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước. Tuy đất đai canh tác ít nhưng anh đầu tư thâm canh các loài cây la- ghim bảo đảm chất lượng nông sản gắn với nhu cầu tiêu thụ thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2007, chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ 31 tuổi, ở thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) trồng táo trên diện tích 3,5 sào đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày có khoảng 20 - 30 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó, cá được nhập lậu chủ yếu qua các cửa ngõ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh.

Theo Sở NN và PTNT Đồng Tháp, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến 5/7/2013 là 1.429,56 ha, bằng 71,48% kế hoạch năm và tăng 143,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp đã thu hoạch 526,22 ha với sản lượng 189.184 tấn. Tổng số lượng cá giống thả là 339,90 triệu con. Diện tích đang nuôi là 903,34 ha, diện tích treo ao là 40,7 ha.