Nông Dân Trồng Cỏ Voi Làm Thức Ăn Cho Gia Súc Mùa Hạn

Thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nông dân địa phương đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất, như: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây hoa màu, đậu các loại; chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống đồng bằng, nhằm tận dụng nguồn nước và các loại phụ phẩm nông nghiệp.
Một trong những cách làm hiệu quả nhất mà người chăn nuôi đang áp dụng là trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Thời gian trồng thích hợp là từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch lần đầu khi cỏ có thời gian sinh trưởng 60-70 ngày, độ cao cỏ đạt 1,5m, thu tái sinh với chu kỳ 25-40 ngày. Chu kỳ kinh tế của cỏ voi là từ 3-4 năm, nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng cao trong nhiều năm liền.
Nhận thấy được những ưu điểm từ loại cỏ voi, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) sau khi thu hoạch vụ đông – xuân sớm đã bắt tay vào việc cải tạo đất để trồng cỏ. Bà Đạt Thị Hương, ở Nho Lâm, xã Phước Nam, sau khi thu hoạch bắp, gia đình chị tập trung làm đất để trồng 2 sào cỏ vào cuối tháng 3, đến nay đã cho thu hoạch.
Chị Hương cho biết: “Cỏ voi dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, nên đợt này nhà tôi trồng hơn 2 sào, trừ hết chi phí thì mỗi tháng gia đình tôi thu trên 2,5 triệu đồng”. Ông Đạt Trung Thành, ở Văn Lâm 4, xã Phước Nam, đã dành hơn 3 sào đất trồng cỏ cho đàn cừu 30 con và 5 con bò, phần cỏ dư mỗi tháng ông bán được hơn 1 triệu đồng.
Ông Thành chia sẻ: “Tôi nuôi bò, cừu theo mô hình khép kín, không chăn thả, ngoài việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, đậu, rơm, thì cỏ voi là thức ăn chủ yếu. Do chủ động về nguồn thức ăn nên đàn gia súc ít mắc bệnh, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn. Mỗi năm gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng từ việc nuôi bò vỗ béo”.
Có thể nói, việc trồng cỏ voi không chỉ mang thu lại thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình, mà nhờ đó bà con nông dân huyện Thuận Nam đã chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nhất là vào thời điểm khô hạn kéo dài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Nam Á, Tây Á, với dân số đông nhất trên giới (1,7 tỷ người) cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong món ăn, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này vào khu vực Nam Á.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 3 quý đầu năm 2014 gần đạt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ, ước đạt 986 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2013.

Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) “tỷ đô” mỗi năm, tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, thị phần rau quả Việt còn rất hạn chế.

Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.

Hiện ở nước ta có nhiều vùng trồng mắc ca, song chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1.645 ha, Tây Bắc, diện tích rừng trồng mắc ca chưa lớn, chủ yếu tập trung tại Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh đang trồng thử nghiệm.