Nông Dân Phải Được Tham Gia Ấn Định Giá Lúa Gạo

Cần tính đủ chi phí sản xuất vào trong giá gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa- đó là hai trong số nhiều đề xuất nâng cao tính cạnh tranh cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Những đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ" do Liên minh Vì quyền của nông dân và hiệu qủa của nền nông nghiệp Việt Nam (Liên minh nông nghiệp) được diễn ra sáng nay (21/10), tại Hà Nội.
Theo Liên minh Nông nghiệp, sự gia tăng lúa gạo gần như liên tục trong hơn 20 năm qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, bất cập là khi sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của nông dân.
Việc chú trọng đến tăng sản lượng cũng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng, đặc biệt là tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn sẽ tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh nông nghiệp, do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đang xuất khẩu với giá thấp Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.
Liên quan về vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay, mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy, cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình.
Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán.
Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, để nâng cao tính cạnh tranh của ngành lúa gạo cần giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ; nâng cao vị thế của nông dân.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như bãi bỏ thuế VAT 5% với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo ra tính công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào, định hướng lại hoạt động của các tổng công ty lương thực để giúp chính sách với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả…
Có thể bạn quan tâm

Với lợi thế nguồn nguyên liệu rơm rạ dồi dào sẵn có tại địa phương nên nghề trồng nấm rơm của nông dân ở Tiền Giang đã hình thành từ lâu đời và có nhiều thuận lợi. Nghề trồng nấm rơm vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Trước đây, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, giá ao nuôi cá tra luôn ở mức rất cao, từ 2- 3 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên gần đây, người nuôi cá tra thua lỗ, lần lượt “treo ao” nên giá ao rớt thê thảm, nhiều nơi kêu bán mà chẳng ai mua.

Tỉnh Quảng Nam đang đồng loạt thả nuôi tôm giống vụ 1 năm 2011. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân ở TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Thăng Bình... bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, thả nuôi trước vụ dẫn đến tôm chết hàng loạt

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Theo đó, ĐBSCL- vựa lúa của cả nước cần có giải pháp nâng cao kinh tế nông hộ, quản lý việc tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác.

Bộ NNPTNT đang đề xuất với Chính phủ đưa trang trại chăn nuôi lớn và doanh nghiệp ngành chăn nuôi vào diện được hưởng gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng.