Nông Dân Phải Được Tham Gia Ấn Định Giá Lúa Gạo

Cần tính đủ chi phí sản xuất vào trong giá gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa- đó là hai trong số nhiều đề xuất nâng cao tính cạnh tranh cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Những đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ" do Liên minh Vì quyền của nông dân và hiệu qủa của nền nông nghiệp Việt Nam (Liên minh nông nghiệp) được diễn ra sáng nay (21/10), tại Hà Nội.
Theo Liên minh Nông nghiệp, sự gia tăng lúa gạo gần như liên tục trong hơn 20 năm qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, bất cập là khi sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của nông dân.
Việc chú trọng đến tăng sản lượng cũng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng, đặc biệt là tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn sẽ tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh nông nghiệp, do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đang xuất khẩu với giá thấp Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.
Liên quan về vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay, mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói trong các quyết định liên quan đến chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy, cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình.
Về các điều kiện đối với xuất khẩu gạo cũng cần có quy định riêng cho các doanh nghiệp khai thác thị trường ngách như gạo chất lượng cao, gạo đặc sản sản xuất với số lượng ít. Có như vậy sân chơi mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán.
Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, để nâng cao tính cạnh tranh của ngành lúa gạo cần giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất để tăng năng suất và áp dụng công nghệ; nâng cao vị thế của nông dân.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như bãi bỏ thuế VAT 5% với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo ra tính công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào, định hướng lại hoạt động của các tổng công ty lương thực để giúp chính sách với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả…
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su với tổng kim ngạch 644 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xuất hiện, từ đó hàng triệu hộ nông dân ở miền Trung đã tất bật lo bảo vệ đàn trâu bò và đàn gia cầm an toàn. Hiện ở vùng cao các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, ngoài việc đảm bảo ủ ấm, người dân còn tăng cường tìm kiếm thức ăn cỏ tươi cho gia súc. Trong khi đó, ở miền xuôi, nông dân tăng cường giữ rơm khô để vừa sưởi ấm, vừa làm thức ăn cho đàn trâu bò nhằm phục vụ mùa màng sắp đến.

Ông Phạm Minh Hoàng - ngụ khu vực 3, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang - kể: “Vườn nhà tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Mọi năm, thu hoạch xong khoảng ngày 23.6. Năm nay, chẳng có thương lái nào đến mua. Thu hoạch bán lẻ đã kéo dài cả tháng, nhưng chỉ bán được 3 cây. Năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ giá giảm còn 1.500 đồng/kg!”.

Thực hiện Dự án phát triển nuôi gà thả đồi giai đoạn 2014 – 2016, đến nay, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã có 42 hộ dân tại các xã: Cam Cọn, Bảo Hà, Minh Tân và Thượng Hà được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mỗi năm đóng góp nhiều tỷ đô la cho quốc gia. Tuy nhiên điều này có thể gây ảnh hưởng lớn trong tương lai gần vì diện tích vườn cà phê già cỗi tăng nhanh trong thời gian gần đây.