Nông Dân Mộ Đức Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Cà Tím

Mùa mưa, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi việc trồng cây rau màu gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, thì với nhiều bà con nông dân ở các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) lại là mùa "ăn nên làm ra", nhờ trồng cà tím trên những vùng đất cát.
Ở những vùng đất cát bạc màu, tưởng chừng như việc trồng và phát triển cây rau màu là điều không thể, thế nhưng dưới bàn tay cần cù của người nông dân, tại những vùng đất ấy mùa này là bạt ngàn màu xanh của đủ loại cây hoa màu. Trong đó cây cà tím đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Về các xã này vào thời điểm này, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những ruộng cà tím xanh tốt. Nơi thì đang trong kỳ thu hoạch, nơi đang chuẩn bị ra hoa, lại có ruộng cà tím vừa được trồng để kịp thu hoạch vào cuối năm. Ngày nào cũng vậy, trên những ruộng cà tím là cảnh thu hoạch rất nhộn nhịp, người thì hái trái, người thì rửa sạch cà để cân cho thương lái, tiếng cười nói giòn giã vì cà tím được giá.
Tranh thủ cùng gia đình thu hoạch hơn 5 sào cà tím để chiều kịp bán cho thương lái, lão nông Nguyễn Thanh Tính ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh hồ hởi tiếp chuyện, khi biết chúng tôi tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của cây cà tím.
Ông Tính cho biết: Thời điểm này ruộng cà của gia đình vào giai đoạn thu hoạch rộ. Cứ 2 ngày hái 1 đợt, mỗi đợt hái khoảng trên 600kg. Với mức giá 4.500 đồng/kg, chẳng nói giấu gì, mới thu hoạch 2 đợt, nhưng tôi đã thu về hơn 10 triệu đồng từ 5 sào cà tím.
"So với các loại cây trồng khác thì cây cà tím trong những năm gần đây mang lại hiệu kinh tế rất cao bà con nông dân chúng tôi ở đây. Bình quân 1 sào cà tím, nếu thời tiết thuận lợi, thu hoạch cũng được vài tấn cà/vụ. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng, vào mùa cà, các thương lái đem hẳn ô tô đến tận ruộng thu mua, không phải gồng gánh đi đâu cho mệt nhọc"- ông Tính cho biết.
Dạo trên những vùng trồng cà tím, chứng kiến cảnh nông dân phấn khởi, tất bật thu hoạch mà thấy vui lây. Biết cây cà tím thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nên hàng trăm nông dân đã quyết định cải tạo hàng chục hécta đất cát bạc màu để trồng cà tím và các loại cây hoa màu trong mùa mưa. Nhà trồng ít cũng trên 2 sào, nhà nhiều 9-10 sào. Năm nay, ngần ấy diện tích, nhiều hộ nông dân rất vui mừng trước khoản tiền lớn thu được.
Gắn bó với cây cà tím hơn 4 năm nay, ông Huỳnh Thanh Bình ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh cho hay: Đây là loại cây rất thích hợp với vùng đất cát tại địa phương, ngoài ra cây cà cũng dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng bán rất được giá. Thêm vào đó cây cà tím sau khi trồng khoảng 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch lứa đầu và có thể thu hoạch liên tục nhiều lứa sau đó nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt.
Do trồng gối đầu, nên ngày nào cây cà tím cũng mang về thu nhập tiền triệu cho gia đình ông Bình. Chỉ ruộng cà xanh tươi đang kỳ thu hoạch, ông Bình cho biết: Với 6 sào cà tím nhưng tôi trồng 2 lứa khác nhau, mỗi lứa 3 sào. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi hái khoảng 250kg cà. Tính ra, với giá bán hiện nay, mỗi ngày tôi thu khoảng trên 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu- một thương lái đã nhiều năm thu mua cà cho biết: Năm nay bà con nông dân trồng cà tím thắng lớn, năng suất rất cao, giá cả ổn định. Thời điểm cà thu hoạch rộ, mỗi ngày chị thu mua khoảng trên 10 tấn. Ngoài việc vận chuyển đến bán ở các chợ trong tỉnh thì chị còn bán ở các tỉnh khác như: Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum...
Có thể nói, cây cà tím đã thật sự giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trong mùa mưa. Chia sẻ niềm vui với những người “một nắng hai sương”, chúng tôi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Có thể bạn quan tâm

Theo tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), những ngày vừa qua đã tiếp tục ghi nhận thêm một ổ dịch cúm gia cầm tại TP Cần Thơ.
Ngày 13/4, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho biết, địa phương đang xây dựng mô hình hỗ trợ cho người nông dân chăn nuôi bò sữa.

Trong khi nhiều hộ nuôi heo rừng ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) khó nắm bắt kỹ thuật nuôi heo rừng thuần chủng và lúng túng trong việc tìm đầu ra thì ông Trần Văn Hiến (thôn Thạnh Đức) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để phát triển quy mô đàn heo rừng lên đến hàng trăm con, trở thành gia đình nuôi heo rừng có quy mô lớn tại huyện miền núi này.

Xác định tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh nên trong vụ xuân năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng một cách quyết liệt.

Ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Thành, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng với mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp, an toàn sinh học và là một gương nông dân làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa với danh hiệu "vua chim cút".