Nông dân lao đao vì kiệu giống giảm giá

Hơn 1 tháng qua, vùng trồng kiệu Tam Nông (Đồng Tháp) rục rịch vào vụ thu hoạch. Nếu như những năm trước, vụ kiệu tháng 7 âm lịch (ÂL) giá khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, có lúc hút hàng lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Thời điểm này, kiệu giống ở huyện Tam Nông giá giảm nhiều. Kiệu giống chất lượng tốt chỉ 25.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 10.000 - 15.000 đồng/kg; kiệu chất lượng trung bình chỉ khoảng 20.000 đồng/kg; kiệu nhỏ khoảng 15.000 đồng/kg...
Bên cạnh đó, sức mua kiệu giống năm nay khá yếu, mặc dù diện tích trồng của người dân không kém gì so với năm trước. Theo nhiều hộ dân trồng kiệu trên địa bàn huyện Tam Nông, thị trường kiệu giống gặp khó khăn là do thời điểm hiện tại diện tích trồng kiệu giống tăng khiến cung vượt cầu. Đồng thời, các thương lái đưa kiệu giống từ miền Trung ra thị trường ồ ạt, đẩy kiệu giống sản xuất tại địa phương lâm vào khó khăn.
Ông Lê Văn Kịch – người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm kiệu giống ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết: “Gia đình tôi đang canh tác hơn 11 công kiệu. Gần đây, việc sản xuất kiệu gặp nhiều khó khăn do giá kiệu cứ đi xuống.
1 công kiệu từ ngày xuống giống đến thu hoạch phải bỏ ra 30 triệu đồng gồm các chi phí, phân thuốc. Để có lãi, phải cho năng suất khoảng 4 tấn/công. Nhưng giá kiệu thời điểm này thấp, năng suất cũng giảm khoảng 30% thì không có lời”.
Nhiều hộ dân trồng kiệu lâu năm cho biết, để củ kiệu giống đạt chất lượng, khả năng nảy mầm cao đòi hỏi người trồng phải đầu tư thâm canh, từ loại đất trồng phù hợp đến kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc.
Thời gian trồng kiệu giống kéo dài gần 8 tháng, bắt đầu từ tháng 11 ÂL đến giữa tháng 7 ÂL thì cho thu hoạch. Ngoài ra, do thời gian sinh trưởng kéo dài nên cây kiệu giống thường bị ảnh hưởng của thời tiết, gần đây, mưa nắng thất thường cũng làm chất lượng kiệu bị giảm năng suất, kéo theo đó nhiều lứa kiệu giống bị lép.
Ngoài ra, để giảm chi phí đầu vào, nông dân trồng kiệu Tết cũng tự trồng nhiều kiệu giống để phục vụ sản xuất.
Cây kiệu là một trong những cây trồng giúp nông dân huyện Tam Nông cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, đầu ra của cây kiệu vẫn chưa thật sự ổn định, giá cả còn bấp bênh. Thực tế cho thấy, có năm nông dân mở rộng diện tích canh tác thì bị mất mùa, rớt giá; những năm thu hẹp diện tích thì được mùa, trúng giá...
Để phát triển bền vững nghề trồng kiệu, ngoài nắm vững và áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc, thu hoạch, nông dân cần chủ động nhờ sự hỗ trợ của các ngành liên quan để có sự gắn kết với các đầu mối tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Cá diêu hồng còn gọi là rô phi đỏ, là loài khá dễ nuôi và cho năng suất cao khi được nuôi trong lồng bè. Mặc dù trong mùa đông, thời tiết lạnh tại miền Bắc có thể làm cá chậm tăng trưởng, nhưng với thời gian nuôi ngắn- khoảng 5 tháng, thì đây vẫn là hướng phát triển thủy sản tiềm năng.

Hơn 3 năm gắn bó với nghề ương, vèo cua giống, anh Đoàn Văn Tuyên đã tạo lập uy tín, khẳng định “thương hiệu” cho chính mình và Tổ hợp tác (THT) ương, vèo cua giống ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn.

Phong trào nuôi lươn đồng ở Bình Định đang phát triển mạnh. Do địa phương này chưa SX được lươn giống nên nông dân phải mua giống từ các tỉnh miền Tây Nam bộ với chất lượng rất bấp bênh. Xuất phát từ thực tế này, ngành chức năng ở Bình Định đã tổ chức nuôi thử nghiệm lươn giống thành công.

Hỗ trợ chi phí bảo hiểm thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển phát triển hoạt động nghề cá trên biển. Nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai Nghị định này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm phát triển thủy sản.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay, không khí lạnh sẽ hoạt động sớm hơn, đợt rét đậm rét hại đầu tiên nhiều khả năng xảy ra trong nửa đầu tháng 12 (trong khi hàng năm khoảng cuối tháng 12).