Nông Dân Lao Đao Vì Dong Riềng Rớt Giá

Nông dân Bắc Cạn trồng dong riềng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, tiêu thụ không hết, tư thương khống chế giá giảm gần một nửa so với năm trước. Tiền bán dong riềng không đủ trả công thu hoạch và vận chuyển làm cho nông dân lao đao.
Vụ thu hoạch dong riềng ở tỉnh Bắc Cạn đã bắt đầu được hơn nửa tháng, nhưng ở đâu cũng thấy nông dân than phiền chỉ bán được 800- 900 đồng/kg củ, giảm gần một nửa so với năm trước. Đi dọc các tuyến đường chính ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm thấy nông dân chất những đống dong riềng lớn cạnh đường chờ tư thương, cơ sở chế biến đến thu mua.
Hồi đầu năm, gia đình ông Hoàng Văn Bằng ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đầu tư gần một triệu đồng mua giống và phân bón trồng 0,2ha. Nay đã đến vụ thu hoạch, ông Bằng dự kiến sẽ thu khoảng 15 tấn củ. Nhưng với giá 900 đồng/kg củ, ông tính toán một người thu hoạch trong một ngày chỉ được khoảng một tạ củ, vận chuyển đến tỉnh lộ 258 bán được 90 nghìn đồng, trong khi đó trả công thu hoạch hết hơn một trăm nghìn đồng. Giá bán không đủ trả tiền thuê nhân công nên ông Bằng bỏ không thu hoạch diện tích dong riềng đã trồng được.
Mới đầu vụ đã thế, khi dong riềng thu hoạch rộ những ngày tới thì giá còn giảm nữa. Tình cảnh của ông Bằng đang là thực trạng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với giá bán chỉ bằng gần một nửa so với năm trước, nhân dân chỉ thu hoạch những diện tích gần đường, tiện vận chuyển, gia đình có nhân công. Còn những diện tích ở xa, phải thuê cả công thu hoạch, vận chuyển thì bỏ, vì tiền bán không đủ trả tiền công thu hoạch, kinh phí vận chuyển.
Theo tính toán của tỉnh, năm nay Bắc Cạn trồng gần ba nghìn ha dong riềng (tăng một nghìn ha so với năm trước), ước tính thu được khoảng 180 nghìn tấn củ, các cơ sở chế biến trong tỉnh chỉ tiêu thụ được khoảng 117 nghìn tấn củ, số còn lại 61 nghìn tấn phải chở đi bán ở ngoài tỉnh.
Củ dong riềng là nguyên liệu sản xuất ra tinh bột, từ tinh bột sản xuất ra miến dong. Trong khi đó tỉnh không chủ động được đầu ra, hầu hết sản lượng tinh bột và miến dong được tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Những năm trước diện tích trồng còn ít, giá dong riềng tăng cao nên năm nay trồng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, các đầu mối tiêu thụ khống chế, dìm giá xuống thấp làm nông dân lao đao.
Thời gian vừa qua, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã, nhóm hộ, doanh nghiệp đầu tư 112 cơ sở chế biến dong riềng với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhưng hầu hết đều là công nghệ lạc hậu, tỷ lệ bột bị thất thoát nhiều, thiếu vốn nên không tiêu thụ được nhiều dong riềng cho nhân dân.
Dong riềng quá nhiều, giá giảm mạnh, nông dân đang lao đao, các địa phương trong tỉnh đang lúng túng chưa biết giải quyết bằng cách nào. Để cây dong riềng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, những năm tới tỉnh cần tổ chức lại một cách bài bản từ khâu quy hoạch trồng, chế biến và chủ động thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “mất kiểm soát” như năm nay.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ 31 loại phí và lệ phí trong kiểm dịch thú y nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến thú y.

Anh Duy đã từ chối rất nhiều cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài với mức lương vài ngàn “đô” để đi tìm một hướng kinh doanh riêng liên quan đến nông nghiệp.

Hôm rồi, nhận được thông tin nóng sốt rằng tổ hợp nông dân huyện Đơn Dương và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng vừa được trao chứng nhận VietGAP và có tổ chức một buổi lễ ra mắt khá hoành tráng, tôi tức tốc lên đường đến gặp họ để cùng được ra đồng, để xem họ làm rau VietGAP như thế nào.

Anh Ba Hùng (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trồng 4,5 công (1.000m2/công) đậu bắp, trong đó có 2,5 công trồng xen ớt. Nhờ cần cù chăm chỉ, biết áp dụng kỹ thuật canh tác mới, lại thêm đậu bắp và ớt được giá nên vụ rẫy này hứa hẹn cho thu lãi khá.

Các nhà khoa học dự báo: khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là nước biển dâng. Dự án CLUES ra đời, được triển khai ở 4 tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu. Dự án này đánh giá sự tổn thương và các tác động đến sử dụng đất, sự thích ứng của các hệ thống canh tác lúa…