Nông Dân Gặp Khó Trong Khâu Chọn Giống Lúa

Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Song, không ít hộ dân sản xuất ra không sử dụng được để làm giống mà chỉ bán lúa thương phẩm, do ruộng sản xuất giống xen kẽ với ruộng lúa thương phẩm nên bị tạp giao.
Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến năng suất, chất lượng lúa.
Nông dân Huỳnh Văn Ánh, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết, gần 3 năm nay, năm nào gia đình anh cũng sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ. “Vụ lúa hè thu vừa rồi gia đình tôi sản xuất gần 1 ha lúa giống cấp xác nhận. Do mua nhầm giống trôi nổi, chất lượng kém nên phải tốn nhiều chi phí sản xuất, chỉ khâu khử lẫn gần 1 triệu đồng”.
Anh Trần Văn Toàn, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho rằng, khâu quản lý kinh doanh lúa giống chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở kinh doanh giống ngoài tỉnh đến Cà Mau mua giống không thực hiện công tác khử lẫn, rồi đóng bao bì bán lại cho các cơ sở vật tư nông nghiệp trong tỉnh.
Ông Ngô Hữu Đáng, ấp 4, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, người nhiều năm sản xuất lúa giống nguyên chủng cấp xác nhận, cho biết, trong sản xuất lúa giống nguyên chủng phải nghiêm ngặt từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch đến bảo quản. Nếu không làm tốt các vấn đề trên thì lúa giống không đạt chất lượng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh cho biết: Trong cơ cấu giống lúa gieo sạ qua từng vụ, nông dân rất hạn chế sử dụng giống kém chất lượng, thay vào đó tỷ lệ sử dụng các giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận tăng dần từng năm và hiện đạt khoảng 80% diện tích gieo sạ. Từ đó, năng suất và sản lượng lúa không ngừng tăng.
Tuy nhiên, trong sản xuất giống chưa thật sự bài bản nên chất lượng lúa giống chưa đạt yêu cầu, tạp giao nhiều. Thời gian tới tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho nông dân sản xuất tại chỗ, đẩy mạnh nhân giống trong cộng đồng và xây dựng mạng lưới cung ứng giống bảo đảm chất lượng, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất giống.
Khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất lúa giống. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện từng vùng, tiến tới sản xuất đại trà.
Về lâu dài, tỉnh đang đầu tư mở rộng Trung tâm Giống nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển lúa giống, tự lực về giống, quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, khoa học - kỹ thuật, cơ sở vật chất, hình thành các vùng chuyên sản xuất, cung ứng giống cấp nguyên chủng, cấp xác nhận phục vụ cho nông dân sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Hàng chục ngàn tấn gạo mốc đang nằm tại cửa khẩu Lào Cai.

Trong những năm tới, giá cao su nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 USD/tấn (50 triệu đồng/tấn).

Nhắc đến nghề nuôi rắn hầu như ai cũng nhớ ngay đến Làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã huyện Lâm Thao và Làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuôn Dậu xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, bởi đến nay toàn tỉnh Phú Thọ mới có 2 làng nghề có sản phẩm độc đáo này.

Ngày 4/7, Hội Nông dân Hà Nội tiến hành giải ngân dự án chăn nuôi bò sữa cho 24 hội viên, nông dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với lãi suất là 0,7%/tháng, thời hạn vay 36 tháng với tổng số tiền là 800 triệu đồng.

Trong những ngày gần đây, thời tiết liên tiếp nắng nóng 35 - 40 độ C khiến cho nhiều hộ dân trong tỉnh Bắc Giang phải xoay sở chống nóng để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi và cây trồng.