Nông Dân Chợ Mới Nuôi Bò Theo Hướng Công Nghệ Cao

Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, việc nuôi bò theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ dân thực hiện, vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với cách nuôi truyền thống.
Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi từ mô hình trồng bắp thu trái non, lấy phụ phẩm nuôi bò; trồng cỏ voi cặp các bờ kênh, tuyến đê, trên đất trồng lúa… mà số lượng đàn bò ở xã An Thạnh Trung phát triển khá nhiều với gần 2.000 con của 435 hộ nuôi, chủ yếu giống bò Campuchia và 60 hộ dân đang nuôi bò cọp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi giống bò cỏ truyền thống. Hiện nay địa phương đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao.
Ghé thăm gia đình ông Bùi Quốc Vững, một hộ dân rất tâm đắc với việc chăn nuôi theo hướng công nghệ cao của xã. Ông Vững cho biết: gia đình ông đang nuôi 10 con bò cọp, nguồn thức ăn thì tận dụng từ phế phẩm cây bắp non, cỏ voi và rơm làm thức ăn nên bò lớn nhanh, trung bình tăng 20 - 25kg/tháng.
Bình quân một con bò cọp con (nặng 30 - 40 kg) có giá 20-30 triệu đồng, sau 14 - 15 tháng nuôi, trừ hết các khoảng chi phí gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/con, trung bình lời 2 triệu đồng/con/tháng. Ông Vững còn cho biết thêm: bò cọp là loại bò rất dễ nuôi, lại tăng trọng nhanh nên được thị trường ưa chuộng và bán được giá.
Ông Trần Hồng Thanh, chủ tịch Hội nông dân xã An Thạnh Trung cho biết thêm: chương trình phát triển đàn bò luôn được xã quan tâm và khuyến khích người dân thực hiện. Đây là mô hình phù hợp với địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng tạo điều kiện giúp đỡ các hộ dân vay vốn phát triển đàn bò.
Bên cạnh đó xã cũng phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục phát triển chương trình nuôi bò giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình.
Còn tại xã Bình Phước Xuân, một xã cù lao của huyện thì mô hình chăn nuôi bò theo hướng công nghệ cao cũng được nông dân quan tâm thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, ngụ ấp Bình Trung cho biết: gia đình bà tham gia thực hiện mô hình ứng dụng giải pháp phù hợp trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò thịt.
Bà được hỗ trợ 30% chi phí để mua máy thái cỏ và chế phẩm sinh học để ủ chua thân cây bắp cho bò ăn, hiệu quả mang lại rất khả quan, đàn bò phát triển nhanh. Với 8 con bò đang nuôi dự kiến khi xuất chuồng sẽ mang lại cho gia đình nguồn lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Bình quân mỗi con bò khi bán người nuôi thu lợi 10 triệu đồng/con.
Hiện nay, mô hình nuôi bò đối với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Mới đã không còn là nguồn kinh tế phụ, tận dụng thời gian nông nhàn mà người dân đã chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hóa tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Đây là mô hình hiệu quả giúp đời sống của người dân có bước phát triển đáng kể.
Chăn nuôi bò cũng tạo một chu trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Sau gần 5 năm xây dựng Chương trình nông thôn mới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ mới có 8/43 xã hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở đây làm chậm nhưng chắc.

Hơn 10 năm trước cánh đồng thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hoang hóa bạc màu. Từ năm 2010, ND thôn Tuấn Tú đã mạnh dạn trồng cây măng tây. Nhờ vậy, thu nhập của bà con tăng lên đáng kể.

Đó là tuyến đường bê tông nội thôn chỉ mất 12 ngày cho việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thôn Ngầu 1 xã Võ Lao (Văn Bàn, Lào Cai). Đây là một dấu ấn mới, một thành tích đáng tự hào trong việc huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới của thôn Ngầu 1.

Ông Nguyễn Phước Quang (ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) đã có sáng kiến độc đáo khi biến phế phẩm của cây chuốt hột thành sợi nguyên liệu để làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ…

Vụ mùa vừa qua, hàng chục hộ trồng lúa trong khu vực được quy hoạch cánh đồng mẫu lúa trên địa bàn ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình bị thất trắng vì nước nhiễm mặn do một số hộ dân trong khu vực tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm.