Nơi Đồng Vốn Sinh Sôi

Nhiều năm qua, Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện Hoàng Su Phì luôn đồng hành cùng người nông dân trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu từ hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng.
Đặc biệt, là các chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư sản xuất, kinh doanh đã thực sự trở thành điểm tựa giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế.
Nhằm hỗ trợ nông dân có nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, Ngân hàng No&PTNT huyện luôn bám sát nội dung, nhu cầu vay vốn của người dân.
Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm theo hướng mở rộng đầu tư tăng trưởng tín dụng, tăng cường huy động vốn cho người dân vay để phát triển kinh tế gia đình. Trong 8 tháng đầu năm, Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện Hoàng Su Phì đã giải quyết cho 716 hộ vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để thuận tiện trong việc giúp người người dân tiếp cận được nguồn vốn, Chi nhánh đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể, thành lập các tổ vay vốn, nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến với hộ, cá nhân trên địa bàn huyện.
Nếu như trước đây người nông dân rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay của Ngân hàng thì nay việc vay vốn khá đơn giản và thuận tiện. Nhờ vậy, đã tạo cho khách hàng niềm tin, sự hài lòng khi giao dịch và lựa chọn sử dụng dịch vụ của Ngân hàng No&PTNT huyện.
Việc Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì thực hiện nhiều chính sách đồng hành cùng người nông dân trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nên từ nguồn vốn vay của ngân hàng mà nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Gia đình anh Trần Văn Ảnh, khu phố 4, thị trấn Vinh Quang là một trong những hộ làm giàu từ chính đồng vốn của ngân hàng.
Từ năm 2003 đến nay, gia đình anh đã vay trên 120 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp, bao gồm quần áo, sắt, sơn, đồ rèn... Anh chia sẻ: Nhờ được vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện đã giúp gia đình anh có thêm điều kiện để mở rộng kinh doanh.
Hiện tại, công việc kinh doanh của anh rất thuận lợi, thu nhập bình quân mỗi năm đạt gần 100 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn vay đó, gia đình anh sẽ không được như ngày hôm nay. Còn gia đình chị Vương Thị Hương, khu phố I, thị trấn Vinh Quang lại khó khăn về nguồn vốn để đầu tư làm chuồng trại, mua con giống để phát triển chăn nuôi.
Tháng 7 vừa qua, chị đã bàn với gia đình mạnh dạn vay 40 triệu đồng với lãi xuất 0,8% để mua 6 con lợn giống, mua cám và gạo để nấu thêm rượu. Chị Hương cho biết: Mỗi ngày gia đình chị cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn từ 40 – 50 lít rượu, còn bỗng rượu chị tận dụng làm thức ăn cho đàn lợn.
Hiện nay, đàn lợn của gia đình chị phát triển tốt; chị nhẩm tính từ giờ đến cuối năm, khi bán đàn lợn cùng với tiền bán rượu hàng ngày không chỉ giúp chị trả được hết số tiền vay của ngân hàng mà còn để ra một khoản tiền nhất định tiếp tục đầu tư cho lứa lợn sau.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết: Để tạo điều kiện giúp người nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay một cách đơn giản và thuận tiện, với quan điểm tất cả vì khách hàng, do vậy thủ tục vay ngân hàng đã đơn giản, nhanh gọn hơn, không gây phiền hà cho khách hàng. Người vay dù là thành phần kinh tế nào cũng đều được đánh giá cao không chỉ là bạn hàng mà còn là đối tác của ngân hàng.
Cũng theo anh Tiến, từ giờ đến cuối năm, nhu cầu vay của người dân sẽ tăng cao. Để tránh tình trạng thiếu vốn, Ngân hàng No&PTNT huyện Hoàng Su Phì đã chuẩn bị mọi phương án nhằm đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Có thể nói, nhờ được hỗ trợ vay vốn của ngân hàng mà nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đây cũng chính là điều kiện để Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh huyện Hoàng Su Phì tiếp tục phục vụ tốt nhân dân và là cơ hội để các hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi tôm tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang điêu đứng trước cảnh tôm thẻ chân trắng từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tuổi bỗng dưng chết hàng loạt. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên phần lớn các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị khô hạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể, riêng huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp đã có trên 2.300 ha không tiến hành thả giống đúng thời vụ do thiếu nước.

Đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thả giống 464 ha tôm thâm canh, 1.635 ha cá nước ngọt, 108 ha ngao và tập trung vào chăm sóc, quản lý ao nuôi. Từ tháng 5 đến nay, thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm có mưa, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của các đối tượng nuôi.

Là địa phương có đường bờ biển dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong những năm qua, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đã phát huy lợi thế này, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương.

Thời gian qua, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình trạng trên, mô hình nuôi tôm không sên bùn ra đời và cho hiệu quả cao.