Nơi đất sản xuất cho lãi 5 tỷ đồng/ha mỗi năm

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất cùng các giống nông sản mới cho năng suất, chất lượng cao.
Nhiều giống cà chua được nhập từ nước ngoài cho năng suất và chất lượng cao
Nông trại công nghệ cao
“Khu vực này là vườn ươm, trên kia là vùng sản xuất rau thủy canh, phía lưng chừng quả đồi ngoài đó là nơi trồng cà chua, các loại rau dinh dưỡng cao cấp có xuất xứ từ nước ngoài. Hiện có 60 công nhân đang làm việc, mỗi khu vực sản xuất được bố trí từ 5 - 6 người, đảm đương công việc từ khi gieo trồng đến lúc được thu hoạch.
Ngoài ra, bộ phận giám sát, bộ phận kỹ thuật, kỹ sư hằng ngày theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, nhiệt độ hợp lý để đảm bảo rằng sản phẩm cho ra thị trường đạt được chất lượng tốt nhất” - bà Nguyễn Thị Huệ, giới thiệu khái quát về vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng 7ha của mình.
Ở đây, quá nửa diện tích được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất rau thủy canh, số diện tích còn lại mặc dù nông sản vẫn được trồng dưới mặt đất nhưng kỹ thuật canh tác rất cao và hiện đại. Việc gieo trồng rau thủy canh của bà Nguyễn Thị Huệ đã được tiến hành hơn 1 năm qua.
Rau cho năng suất cao, không bị sâu bệnh, các chỉ số về chất lượng đều rất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tại đây, hiện có khoảng 20 loại rau xà lách với nhiều màu sắc khác nhau đang được gieo trồng bằng phương pháp thủy canh.
Bà Huệ cho biết, để có được 1.000m2 sản xuất rau thủy canh, bà đã phải đầu tư không dưới 1 tỷ đồng bao gồm phần lớn các thiết bị phục vụ gieo trồng đều phải nhập từ nước ngoài như thanh đựng rau, máy bơm hút nước, các giống rau, hệ thống tưới tiêu... nhà kính cũng phải đảm bảo sự thoáng mát, đúng kỹ thuật. Bằng cách xuống giống xen kẽ, ngày nào bà Nguyễn Thị Huệ cũng có rau thủy canh xuất đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản tí hon như cà rốt, cà chua, củ cải đường, củ dền, bí... cũng đã được gieo trồng và đưa ra thị trường với số lượng hàng năm rất lớn và ổn định. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ không gieo trồng các loại nông sản tí hon dưới đất mà trên các giá thể được lắp ráp hình thức giống như chiếc giường nằm, bao gồm có 2 tầng để gieo trồng, mỗi tầng cách nhau 1m, chất liệu trồng là xơ dừa trộn với các loại phân dinh dưỡng.
Tất cả các loại nông sản khoảng 3 tháng tuổi thì bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ tính riêng cà chua ở đây đã có hàng chục loại lớn, nhỏ, tròn, dài, hình trái tim cũng có... với nhiều màu sắc khác nhau để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.
Ngoài ra, ở nông trại này còn có nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng rất cao dùng để làm thực phẩm hoặc xay ra lấy nước uống giống như sinh tố trái cây được gieo trồng và đưa ra thị trường từ nhiều năm qua.
Lãi 5 tỷ đồng/ha mỗi năm
Là một nhà nông đã có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất, đối với bà Nguyễn Thị Huệ, làm chủ kỹ thuật canh tác rau, củ, quả công nghệ cao không khó. Theo bà Huệ, cái lo lắng nhất đối với người sản xuất nông nghiệp nói chung là làm sao để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Để đạt được những tiêu chí này, từ thực tiễn bản thân bà cho biết việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất là điều kiện mang tính bắt buộc.
Ở gia đình bà Huệ, nay tất cả đã đi vào “quỹ đạo”, năng suất và chất lượng các loại nông sản đạt được rất cao. Kênh tiêu thụ của bà Huệ không hướng vào các siêu thị mà phân phối trực tiếp tới các nhà hàng, khách sạn cao cấp từ Nam ra Bắc. Do không phải qua khâu trung gian nên cả người sản xuất và nhà tiêu thụ đều được hưởng lợi về giá. Hiện, mỗi ngày bà Huệ xuất bán khoảng 1 tấn nông sản các loại.
Bà Nguyễn Thị Huệ tiết lộ, đến nay, với việc trồng rau theo phương pháp thủy canh cùng việc áp dụng những khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến nhất vào sản xuất, các loại nông sản của gia đình bà cho năng suất rất lớn.
Thị trường tiêu thụ ổn định, giá thành bán ra khá cao nên 1ha đất sản xuất, trừ chi phí đầu tư mỗi năm còn cho gia đình bà Nguyễn Thị Huệ thu về khoảng 5 tỷ đồng. Đây được xem là số tiền lãi cao kỷ lục trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng và trong cả nước.
Bà Huệ cho biết, thị trường mà bà đang xúc tiến để xuất khẩu nông sản ra nước ngoài là Singapore, Đài Loan, Dubai... “Với khả năng thực tế của mình, chất lượng nông sản cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi nghĩ việc thị trường nước ngoài chấp nhận tiêu thụ nông sản của tôi là điều không quá khó!...” - bà Huệ cho biết.
Hiện nông trại của bà Nguyễn Thị Huệ đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 60 lao động đến từ các tỉnh miền Trung với mức thu nhập trung bình đạt 6 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca, số tiền mỗi tháng có thể đạt được 7 đến 8 triệu đồng, đây là số tiền mà nhiều người lao động đang mơ ước.
Có thể bạn quan tâm

Khảo sát, tuyển chọn cây vú sữa Lò Rèn chất lượng cao, năng suất ổn định để làm cây đầu dòng phục vụ công tác nhân giống, tạo nguồn sản phẩm đồng nhất, chất lượng ổn định khi đưa ra thị trường;

Từ việc bình tuyển những cây bơ đầu dòng để nhân giống, đến nay, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đang sở hữu một vườn bơ đầu dòng có diện tích khoảng 2 sào. Mỗi năm, vườn bơ đầu dòng này cung cấp cho Trung tâm từ 40 – 50 ngàn chồi giống để sản xuất giống bơ ghép.

Nhiều loại trái cây được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết vẫn có giá cao trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Điển hình nhất là trái cây có múi và vú sữa.

Nằm dọc theo sông Cửa Tiểu và sông Cửa Trung được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ, nhưng do ảnh hưởng nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài làm cho rất ít cây trồng có thể "bám trụ" và phát triển trên cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ấy thế mà mãng cầu Xiêm lại là một trong rất ít cây làm được điều đó.

Người dân ở các xã miền núi thuộc 2 huyện Tuy An, Sơn Hòa (Phú Yên) phấn khởi vì năm nay chuối được mùa, được giá. Từ loại nông sản đặc trưng trồng ở vùng gò đồi, vườn rẫy này mang lại cho người dân vùng núi một cái tết vui.