Nín Thở Trồng Khoai Lang Xuất Khẩu

Thời gian gần đây phong trào trồng khoai lang xuất khẩu phát triển rầm rộ ở các tỉnh ĐBSCL, giúp nhiều hộ làm giàu, nhưng cũng có hộ thua lỗ bởi giá cả bấp bênh. Vấn đề đặt ra là tìm mô hình phát triển bền vững nghề trồng khoai lang xuất khẩu…
Hiệu quả
Với 10.000ha khoai lang mỗi năm, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là nơi có diện tích khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL. Những ngày này đi dọc các xã Tân Hưng, Tân Thành, Thành Đông, Thành Trung… đâu đâu cũng thấy cánh đồng khoai lang bạt ngàn ngút tầm mắt.
Ông Tư Bi (Khúc Văn Bi), ở ấp Hưng Thành, xã Tân Hưng khoe: “Mới tháng rồi tôi thu hoạch 15 công khoai lang tím Nhật, đạt năng suất tới 50 tạ/công, bán giá 860.000 đồng/tạ; trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 450 triệu đồng, mức lợi nhuận khá lớn đối với người dân nông thôn”.
Theo ông Tư Bi, nếu trồng lúa vụ đông xuân được mùa, được giá thì lợi nhuận cũng chỉ 2 - 3 triệu đồng/công; trong khi khoai lang đạt lợi nhuận tới 30 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so với lúa. “Để đạt hiệu quả cao, tôi phải tìm hướng đi riêng bằng cách chăm sóc đúng tháng để khoai đạt củ lớn và chọn thời điểm thu hoạch lúc khan hàng nhằm bán được giá cao” - ông Tư Bi tiết lộ.
Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân quả quyết: “Nhờ khoai lang xuất khẩu, nhiều hộ ở vùng nông thôn Bình Tân từ khó khăn đã vươn lên khá giả. Chỉ cần giá khoai lang xuất khẩu từ 800.000 đã đồng/tạ thì nông dân xứ này sống khỏe”.
Nỗi lo thị trường
Có thể nói, nghề trồng khoai lang xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nơi ở ĐBSCL đua nhau mở rộng diện tích. Song, vấn đề lo ngại là chi phí đầu tư cho khoai lang rất cao, từ 6 - 8 triệu đồng/công; trong khi giá cả lên xuống thất thường nên vừa làm vừa “nín thở”, bởi không có doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm lâu dài. Cái khó hiện nay là đầu ra của khoai lang xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Những lúc thị trường này hút hàng thì giá tăng cao, ngược lại giá lập tức giảm. “Vấn đề là việc mua bán giữa thương lái Việt Nam với thương lái Trung Quốc chủ yếu là “buôn chuyến” ngắn hạn, chứ chưa có sự ký kết hay hợp đồng dài hạn.
Vì vậy, việc xuất khẩu khoai lang vào thị trường này luôn bị đọng” - ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, cho biết.
Theo ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân (Vĩnh Long), phát triển khoai lang xuất khẩu là thế mạnh và chiến lược của huyện. Thời gian qua huyện đã đầu tư lớn về đê bao, thủy lợi, hạ tầng giao thông… cho vùng trồng khoai lang, đồng thời xây dựng xong thương hiệu “Khoai lang Bình Tân” vào năm 2013.
Cái khó lúc này là vẫn chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để đứng ra hợp tác với nông dân xây dựng vùng trồng khoai thành “cánh đồng liên kết”, đưa nghề trồng khoai lang xuất khẩu vào hoạt động bài bản, có sự quản lý chặt về diện tích, sản lượng, chất lượng, thời vụ thu hoạch…
Nếu doanh nghiệp ký kết được hợp đồng xuất khẩu với đối tác Trung Quốc và các nước khác, thì sẽ giải quyết được nỗi lo bấp bênh đầu ra hiện nay và nông dân cũng không bị thương lái ép giá.
Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân trồng giống ngô chuyển gen NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta đã tận mắt, tận tay trải nghiệm tính ưu việt của công nghệ mới, giúp cây ngô vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate vừa kháng được sâu đục thân, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập. Đây là một tín hiệu vui cho người trồng ngô, nhất là trước tình hình giá ngô không ổn định như hiện nay.

Cùng với cây hồ tiêu, cà phê là một trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê (Gia Lai), góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển những năm qua.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long vừa mới báo cáo kết quả đề tài “Nghiên cứu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giống lúa Hậu Giang 2 cho tỉnh Hậu Giang” trước Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp vốn luôn ở trạng thái bấp bênh, lại trên vùng đất cát bạc màu rất kén cây trồng nên càng khó, nhưng với ông Phan Chinh - một nông dân ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì “cái khó ló cái khôn”, ông đã thành công trên vùng đất gian khó.
Do thời tiết bất thường nên nhiều loại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) giảm năng suất. Trong đó, sầu riêng có sản lượng giảm đến 70 - 80%. Vì thế nên mặc dù được giá hơn mọi năm nhưng hầu hết nông hộ vẫn bị giảm thu nhập.