Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhớ Mùa Cá Trước

Nhớ Mùa Cá Trước
Ngày đăng: 13/02/2014

Từ cầu sông Ba(Gia Lai) nhìn về phía sông, những hòn đá cuội nằm phơi mình giữa dòng nước cạn đục. Đôi bờ, những cây bạch đàn ủ rũ, im lìm giữa tiết đông lất phất mưa bụi. Một lão ngư từng có tháng năm dài gắn mình với dòng sông huyền sử, nén tiếng thở dài: “Ôi nhớ những mùa cá trên sông vào những ngày giáp Tết…”.

Sông Ba mùa này nước trong xanh. Nhiều người qua cầu không thể thờ ơ, thường dừng lại ngắm dòng sông đẹp như tranh. Vào những ngày áp Tết, khi người nuôi cá lồng trên sông chuẩn bị thu hoạch, đứng trên cao nhìn xuống, có thể thấy từng đàn cá trắm cỏ, cá chép sông quẫy mình giữa dòng nước trong vắt”-lão ngư Lê Văn Lương ở phường An Phú (thị xã An Khê)-người có nhiều năm mưu sinh trên sông Ba, bồi hồi nhớ lại.

Ông Lương là người đầu tiên nuôi cá bè trên sông Ba, cũng là người cuối cùng trụ lại khi dòng nước ô nhiễm tới mức tất cả những người nuôi cá bè phải “đầu hàng”, từ giã ngư cụ kiếm nghề khác mưu sinh. Ông kể: “Tôi sống từ nhỏ ven sông Mã của Thanh Hóa, chứng kiến biết bao phận người mưu sinh bằng nghề nuôi cá bè, cá lồng. Duyên nợ đưa tôi tới vùng đất An Khê-nơi có dòng chảy sông Ba bốn mùa nước đầy, tôi nghĩ ngay đến nghề này.

Vào những năm 1992-1993 tôi là người cắm cọc, nuôi bè cá đầu tiên trên sông. Ngay năm đầu tiên, tôi đã thu hoạch to. Đến năm thứ hai, nhiều người dân đua nhau làm bè nuôi cá. Mấy chục bè cá trên khúc sông dài, tạo thành một xóm chài nho nhỏ ven sông nhưng tấp nập vô cùng”.

Theo lời kể của ông Lương, hồi ấy nước sông Ba rất sạch và trong, nuôi cá lớn nhanh như thổi. “Nhiều người không tin con cá trắm cỏ tôi nuôi trong 6 tháng có thể nặng tới 8 ký. Có lần mấy chú bộ đội ở đơn vị gần đó hay tin, kéo nhau ra tận bè cá của tôi “thách” nhau. Kết quả là tôi được uống rượu vì khi kéo cá lên, nhiều con nặng hơn thế nữa”-ông Lương cười lớn khi nhớ lại thời hoàng kim của nghề cá. Trong những năm tháng người dân còn khó khổ trăm bề ấy, bè cá đã giúp ông nuôi bốn đứa con lần lượt học đại học mà không phải chật vật.

Nghề nào cũng có sự khổ nhọc, nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn trên sông, lão ngư già chợt bồi hồi: “Hơn mười năm gắn bó với nghề cá trên sông Ba, có những nỗi nhọc nhằn, nhưng cũng có niềm vui không nói hết khi trúng những mùa cá bạc triệu.

Nhớ mùa mưa tháng 8, tháng 9 hàng năm, lũ từ thượng nguồn thường đổ về bất ngờ, giữa đêm một mình tôi đánh vật với dòng nước lũ để giữ cho được bè cá. Nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết tài sản, nhưng tôi chưa một lần chịu thua dòng nước dữ. Vì thế, dân xóm chài gọi tôi “chết” cái tên Lương “cá”. Nhắc nhớ nghề, ông Lương chợt thở dài: “Thời hoàng kim của nghề cá kéo dài được chừng hơn 10 năm.

Khi một số nhà máy mọc lên, nước sông bắt đầu ô nhiễm. Người nuôi cá liên tiếp hứng chịu những mùa thất bát vì cá nuôi không lớn, có nhà cá chết cả lồng chỉ trước mùa thu hoạch. Họ bỏ dần nghề cá, chỉ còn lại duy nhất mình tôi chống chọi vì ỷ vào kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm mấy cũng đành đầu hàng khi nước sông cạn kiệt, đến con tôm, con tép cũng đục lờ rồi chết dần”.

Ông Lương hoài niệm: “Vào dịp này, xóm chài rất nhộn nhịp kẻ bán người mua. Không chỉ có thương lái mà người dân thị xã đến tận những lồng nuôi chọn mua cá ăn Tết. Chúng tôi hầu như chẳng phải đưa cá đi đâu xa, bè nhà nào nuôi được cá to thì bán hết trước.

Nhưng sướng nhất phải là thời điểm mùng 4, mùng 5 Tết trở đi, khi mọi người đã ngán những bữa cỗ Tết ê hề rượu thịt, họ kéo nhau “kiếm” cá, lúc này mới là thời điểm “hốt bạc” của xóm chài. Nhiều người còn mang cả rượu ngoại, bia bọt lên bè đãi chúng tôi, để được trải nghiệm cảm giác tự tay vợt những con cá nặng cả chục ký, hay chỉ cần ngồi ngắm từng đàn cá chép sông bơi lội kiếm mồi từ chất thải của những con trắm cỏ trong lồng, thấy sảng khoái vô cùng”.

…Mỗi lần ngang sông Ba, những lão ngư như ông Lương lại bồi hồi thương nhớ những mùa cá Tết nhộn nhịp, vào mùa xuân nước sông trong xanh hiền hòa.


Có thể bạn quan tâm

Cà phê chồn vẫn bí đầu ra Cà phê chồn vẫn bí đầu ra

Những năm gần đây, giá các loại nông sản luôn biến động. Một số nông dân chuyển đổi sản xuất theo cách mới - độc - lạ. Một trong số đó là trồng cà phê kết hợp nuôi chồn. Hướng làm ăn mới này đã tạo ra sản phẩm cà phê chồn nổi tiếng. Và cách làm của gia đình anh Trương Văn Hướng ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn (Bù Đăng - Bình Phước) hứa hẹn nhiều thành quả.

30/05/2015
Thu tiền tỷ nhờ nuôi heo bằng phương pháp độc - lạ Thu tiền tỷ nhờ nuôi heo bằng phương pháp độc - lạ

Cho heo nghe nhạc và ngủ ngày ăn đêm là phương pháp chăn nuôi độc đáo đem lại doanh thu tiền tỷ cho ông Phạm Hoàng Sơn (Ba Sơn), chủ trang trại chăn nuôi Ba Sơn ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

30/05/2015
Hiệu quả nuôi bò trên đệm lót sinh học Hiệu quả nuôi bò trên đệm lót sinh học

Ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) là một trong số những người đi đầu thực hiện trang trại nuôi bò giống trên đệm lót sinh học. Đây là mô hình nuôi bò với quy mô lớn, mở ra hướng đi bền vững cho việc chăn nuôi tập trung..

30/05/2015
Bình Định chủ động phòng, chống dịch bệnh GSGC Bình Định chủ động phòng, chống dịch bệnh GSGC

Thời tiết nắng nóng kéo dài trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) phát sinh và có nguy cơ lây lan thành dịch. Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

30/05/2015
Ông Hùng Do trồng bắp nuôi cừu mùa hạn Ông Hùng Do trồng bắp nuôi cừu mùa hạn

Mặc dù đang giữa mùa khô hạn, nhưng gia đình ông Hùng Do ở thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam, Thuận Nam, Ninh Thuận) vẫn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc nhờ trồng bắp và đậu xanh.

30/05/2015