Nhiều Thách Thức Trong Quá Trình Chuyển Đổi Cây Màu Trên Đất Lúa

Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu phù hợp là một hướng đi cấp thiết và đúng đắn, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cũng như giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, để tìm được hướng đi bền vững cho cây màu hiện vẫn còn nhiều thách thức.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lúa gạo của Đồng Tháp liên tục tăng mạnh. Diện tích gieo trồng hằng năm ước đạt 500 nghìn ha, sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Năm 2013, diện tích trồng lúa của tỉnh tăng 514.803 ha, sản lượng 3,3 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, việc tăng sản lượng vẫn chưa tạo cho tỉnh có bước chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ. Hiện tại nền nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức mới, khi hiệu quả từ cây lúa càng ngày càng thấp dần, nông dân vẫn chưa giàu lên nhờ trồng lúa.
Khi lúa liên tục rớt giá, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi diện tích khá lớn sang canh tác một số loại cây màu ngắn ngày. Diện tích trồng màu trên đất lúa liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2010, tổng diện tích trồng màu của tỉnh chỉ 28.891ha thì đến năm 2013 tăng lên 30.047ha. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (CCBVTV) tỉnh thì năm 2014, diện tích trồng màu tăng rất mạnh so với những năm trước.
Trong đó, các loại cây có ưu thế kinh tế được nông dân chuyển đổi mạnh là cây mè, bắp, đậu nành, ớt, khoai lang... và một số loại rau màu ngắn ngày khác. Theo khảo sát đánh giá của CCBVTV tỉnh, phần lớn cây màu đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Trên cùng một diện tích canh tác (1ha) thì tỉ suất lợi nhuận của trồng lúa chỉ đạt 0,10; cây mè là đối tượng có tỉ suất lợi nhuận cao nhất là 1,44 được nông dân chọn lựa và phát triển nhanh diện tích trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, chuyển đổi trồng màu trên nền đất lúa không đơn giản là thay đổi giống cây trồng này bằng một giống cây trồng khác, mà nó liên quan tới nhiều yếu tố.
Phải thấy rằng, việc đầu tư cho việc chuyển dịch này, nông dân cần vốn nhiều hơn, kỹ thuật canh tác tốt hơn, cơ sở hạ tầng phải hoàn thiện hơn, phải tìm được các loại giống cho hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh để doanh nghiệp trong nước không phải nhập đậu nành và bắp lai để sản xuất thức ăn chăn nuôi như hiện nay và người nông dân cũng không phải lao đao tìm thị trường tiêu thụ.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những hiệu quả từ trồng màu thì nông dân vẫn không ít lần “nếm mùi thất bại” khi chuyển dịch sang mô hình mới. Bài học từ cây đậu nành, cây dưa hấu và hiện tại là cây khoai lang vẫn còn đó...
Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành, Lai Vung đang lao đao với cây khoai lang tím Nhật, khi giá khoai rớt mạnh từ 900 nghìn đồng/tạ xuống còn từ 180 - 200 nghìn/tạ nhưng vẫn không có người mua. Khoai ngoài đồng vượt ngày thu hoạch nhưng bóng dáng thương lái mua khoai thì biệt tăm.
Anh Nguyễn Văn Tư ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung ngậm ngùi nói: “10 công khoai của tôi đã vượt ngày thu hoạch 2 tuần nhưng kêu bán không lái nào chịu mua. Để có chi phí sản xuất tôi đã vay mượn nhiều nơi, giờ khoai rớt giá thế này tôi cũng không biết phải tính sao”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục Trưởng CCBVTV tỉnh phân tích: “Một trong những rào cản khiến việc chuyển đổi cây màu của tỉnh chưa thực sự hiệu quả là do chi phí sản xuất của chúng ta vẫn còn khá cao, giá thành sản phẩm chưa tạo được sự cạnh tranh trên thị trường.
Phần lớn diện tích canh tác màu của chúng ta vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ; chưa đưa được cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch; cơ sở hạ tầng phục vụ cho tưới tiêu trong sản xuất màu còn yếu... Đặc biệt, việc tổ chức liên kết tiêu thụ vẫn trong giai đoạn manh nha, phần lớn sản phẩm rau màu được tiêu thụ qua các kênh phân phối truyền thống là chủ yếu”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng màu nhằm giảm áp lực cho cây lúa, tăng thu nhập cho người nông dân là một hướng chuyển dịch cần thiết.
Tuy nhiên, cần phải tìm một giải pháp căn cơ hơn trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, phân công, phân vai trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất, đặc biệt là đảm bảo thị trường tiêu thụ và phải liên kết vùng nhằm tránh tình trạng người nông dân cứ đổ xô sản xuất trong khi không biết sản phẩm của mình sẽ tiêu thụ ở đâu.
Có thể bạn quan tâm

Tại lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3, bên cạnh giao dịch của các doanh nghiệp lớn nhỏ, còn có những cuộc hẹn của nông dân thời hiện đại muốn “bơi” thẳng vào thị trường toàn cầu để chào bán loại hàng cao cấp, chính hiệu tự mình sản xuất ra.

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Sơn La, nên nỗi khổ của người dân nghèo cũng từng là nỗi khổ của tôi và gia đình tuổi ấu thơ.

Mặc dù có đến 3,5ha ruộng lúa nhưng những năm trước gia đình ông Hồ Văn Thăng ở thôn Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế vẫn rất khó khăn. Theo ông Thăng, nguyên nhân bởi toàn bộ diện tích ruộng này đều bạc màu, sản xuất không hiệu quả. Nhưng từ năm 2006 đến nay, sau khi chuyển đổi số ruộng trên sang trồng sen kết hợp nuôi cá, kinh tế gia đình ông lên như diều gặp gió.

Tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chiều 5/4, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố kết quả kiểm tra tình hình sử dụng hóa chất cấm Beta agonist trong chăn nuôi.

Được sự tư vấn và giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật của Cty TNHH Thương mại Trung Việt, vụ đông 2007, Trạm Khuyến nông Hiệp Hoà, Bắc Giang xây dựng mô hình sử dụng chất tăng trưởng "Vườn Sinh Thái" trên các loại cây rau màu: Bắp cải, cà chua, dưa chuột, ớt, khoai tây, khoai lang rau, rau cải và chăn nuôi gà sinh sản, lợn thương phẩm ở các xã Xuân Cẩm, Mai Đình, Hoàng An, Hoàng Lương, Thanh Vân, đạt hiệu quả kinh tế cao