Nhiều Nông Dân Nghèo Bị Lừa Do Cả Tin Trong Mua Bán Nông Sản

Thời gian qua, việc thương lái lợi dụng lòng tin của người dân để lừa gạt xảy ra khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Mới đây, đường dây nóng VTV Cần Thơ nhận được phản ánh của nhiều nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh về việc thương lái thu mua đậu phộng của hàng chục hộ dân không trả tiền. Đây lại là những nông dân nghèo, chất phác.
Hộ bà Kiên Thúy Hòa với 5 nhân khẩu, sống nhờ vào 6 công đậu phộng. Vụ vừa qua, gia đình bà trúng đậm, những tưởng sẽ giải quyết được khoản nợ ngân hàng, phân bón gần 20 triệu đồng, cũng như có tiền tái sản xuất. Nhưng mọi tính toán của bà đã tan biến. Nợ không giải quyết được mà vốn tái sản xuất cũng không có, chỉ vì quá tin tưởng thương lái.
Theo người dân, số hộ bị thương lái chiếm đoạt tiền tại xã Ngũ Lạc lên đến gần 40 trường hợp, với số tiền gần 1 tỷ đồng, đa số đều là hộ nghèo. Việc mua bán của họ trước nay chỉ giao kèo miệng. Sau nhiều vụ mua bán trót lọt, thương lái đã mua đậu phộng với số lượng lớn rồi bỏ trốn. Khi người dân tìm đến đòi tiền, đối tượng này đã chối cãi với lý do là mình không mua đậu phộng của dân.
Tại các vùng nông thôn, người dân thường cả tin, bán trả chậm nông sản cho các thương lái quen biết. Mọi việc chỉ căn cứ trên cơ sở là đã làm ăn chung nhiều năm và chữ tín của cơ sở thu mua. Chính vì vậy, không ít lần, thương lái lợi dụng lòng tin để lường gạt, chiếm đoạt tài sản.
Việc thương lái thu mua nông sản rồi bỏ trốn không phải lần đầu mà đã diễn ra nhiều lần tại ĐBSCL. Trước đây, nhiều hộ nuôi cua ở Cà Mau cũng bị thương lái lừa gạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Chiêu trò lừa gạt không phải mới. Tuy nhiên, để phát hiện, ngăn chặn người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời cũng rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương trong việc hợp pháp hóa các hợp đồng mua bán.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện nay, thị trường xuất khẩu yến sào Khánh Hòa đang khởi sắc, phát triển mạnh mẽ với hệ thống khách hàng mới, tiềm năng ở Canada, Úc, Nhật Bản...

Từ sau tết đến nay, giá heo hơi liên tục giảm và chưa có dấu hiệu tăng trở lại, nên nhiều hộ chăn nuôi chọn cách giảm đàn hoặc chuyển sang nuôi heo sinh sản để cầm cự.

Thực hiện Dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến nấm Linh chi và nấm Sò tại xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện A Lưới chọn Hợp tác xã Hoàng Thiện làm đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

“Nếu cứ lo thất bại thì chẳng thể nào có ngày thành công. Tôi quyết định bỏ tiền ra thử trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu một phen…” - bà Phạm Thị Thu Cúc, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu để chế biến dăm xuất khẩu như bạch đàn, keo lai được các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định thu mua ở mức ổn định 1,25 triệu đồng/tấn, tăng 200 ngàn đồng/tấn so với thời điểm cuối năm ngoái. Với mức giá cao và ổn định như trên, người trồng rừng đang có lãi trên 500 ngàn đồng/tấn gỗ nguyên liệu.