Nhiều Lợi Ích Từ Mô Hình Nuôi Gà Thả Đồng

"Cái hay của việc nuôi gà thả đồng sau mỗi vụ thu hoạch là tận dụng được những hạt thóc rơi, thóc vãi…Ngoài ra, gà còn tìm bắt côn trùng sẵn có ngoài đồng như sâu, trâu trấu để ăn nên gà chóng lớn, mà lại tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Đặc biệt, gà nuôi ở đây rất ít khi bị dịch bệnh, người nuôi chỉ cần tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ là có thể đảm bảo” - chị Quách Thị Hoài - một trong những hộ nuôi gà thả đồng điển hình ở xóm Lạng, xã Kim Bình cho biết.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm, nhiều hộ nông dân ở Kim Bình (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) lại đưa gà ra ngoài đồng ruộng để chăn thả, nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Nuôi gà thả đồng ở đây đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoài cho biết: “Gia đình nuôi gà đã 5 năm, nhưng các năm trước nuôi với số lượng ít khoảng 200 con/lứa. Năm nay, có vốn lên gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi nhiều hơn”.
Nhìn đàn gà 500 con nhà chị Hoài, con nào con nấy to và rất đều, hiện tại gà đạt trọng lượng trung bình khoảng 1 – 1,2 kg/con. Đàn gà này của gia đình chị nuôi đến tết bán là vừa đẹp. Không chỉ chăn nuôi gà mà gia đình chị Hoài còn nuôi thêm lợn nái, lợn thịt và làm đậu phụ. Năm vừa rồi, gia đình chị thu về gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi.
Rời hộ chị Quách Thị Hoài chúng tôi qua hộ ông Bùi Văn Đông, thuộc xóm Lạng, xã Kim Bình, có đàn gà nuôi 200 con. Ông Đông hồ hởi cho biết: “Nuôi gà ở xóm Lạng này như một phong trào, đến nay có rất nhiều hộ nuôi. Gia đình tôi năm vừa rồi cũng thu lãi 13 triệu đồng/lứa (1 lứa 200 con). Đặc biệt, Gà ở xã Kim Bình được ưa chuộng, bởi gà chạy nhảy nhiều nên thịt rất săn chắc, thơm ngon và quan trọng nhất là gà sạch, không bị dịch bệnh nên bán rất được giá”.
Mô hình nuôi gà thả đồng là bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân Kim Bình trong việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nâng cao thu nhập, nhiều hộ còn làm giàu từ mô hình này.
Nuôi gà thả đồng có rất nhiều lợi ích như, tận dụng được nguồn thức ăn ngoài đồng ruộng; hạn chế dịch bệnh, tránh xa được khu dân cư nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, gà thả ngoài ruộng sẽ thải ra một nguồn phân rất lớn cho đất, làm cho đất tơi xốp.
Chuồng nuôi gà ngoài đồng ruộng được thiết kế làm sao phải đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Tùy theo số lượng gà nhiều hay ít mà xây dựng chuồng cho phù hợp với mỗi hộ. Không nên để gà nằm đất, mà phải làm sàn chuồng để gà nằm tránh rét, tránh chuột và các con vật khác tấn công. Bên cạnh đó người nuôi dựng thêm một “túp lều tranh” cạnh đó để dễ quản lý đàn gà của gia đình mình.
Nhiều hộ nuôi gà nhiều năm ở cách đồng Bãi Đa cho biết, nuôi gà thả đồng vừa dễ lại không tốn công chăm sóc, hiệu quả thu về lại cao. Nuôi gà ngoài đồng ruộng rất nhàn, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 3 bữa thức ăn cám công nghiệp, ngô. Ngoài ra, gà còn tự kiếm tìm thức ăn thêm như rau, cỏ ngoài ruộng…
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, mô hình nuôi sò huyết xen tôm trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh với 169 ha. Năng suất sò bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá từ vài tỷ đồng trở lên là tài sản lớn nên việc neo đậu an toàn trong bão lũ được ngư dân quan tâm. Nhớ lại những trận bão của nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Độc ở thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) không khỏi xót xa do chủ quan trong việc neo đậu tránh trú bão khiến tàu anh hư hỏng nặng.

Vụ tôm xuân hè năm nay, xã Nam Cường (Tiền Hải - Thái Bình) thả nuôi 4,8 triệu con tôm sú và 80 vạn con tôm thẻ, 7 ha cá vược, 1 ha cua. Ðến nay, bà con đã cơ bản hoàn thành thu hoạch tôm. Nhìn chung tất cả các hộ nuôi tôm đều thu lãi cao hơn mọi năm, trong đó có nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Đây là lần thứ 2 Tổng cục Thủy sản thực hiện chu trình thả bổ sung cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ thủy điện Sơn La. (Đợt 1, thả vào năm 2013 với 22.500 con cá giống các loại). Đợt này, thả 78.000 con cá giống, gồm các loại cá chép, mè trắng, mè hoa, lăng chấm, anh vũ, trị giá gần 250 triệu đồng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ươm, nuôi tôm chân trắng do Tổ chức Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (gọi tắt là Danida) tài trợ được Hội Nghề cá Khánh Hòa phối hợp với Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF tổ chức sáng 2/10 tại Nha Trang.