Nhà vườn Trà Vinh phấn khởi vì giá dừa khô bất ngờ tăng mạnh

Dừa khô bán xô tại vườn do thương lái tự hái hiện có giá từ 55.000 - 60.000 đồng/chục (12 quả), tăng khoảng 20.000 đồng/chục so cùng thời điểm tháng 8/2015.
Theo các thương lái chuyên kinh doanh dừa, nguyên nhân giá dừa tăng là do nhu cầu nhập quả dừa từ Việt Nam ở các nước Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia hiện khá lớn. Hơn nữa, do giá dừa có lúc xuống quá thấp lại kéo dài, nhiều nhà vườn hạn chế đầu tư thâm canh cây dừa nên năng suất đạt thấp.
Ngoài ra, còn có một số nhà vườn “nóng vội” phá bỏ diện tích dừa để trồng cây khác, dẫn đến diện tích dừa bị thu hẹp, sản lượng giảm… Trong khi đó, dừa là loại cây trồng lâu năm, kể từ trồng đến cho quả đợt đầu cần khoảng 4-5 năm.
Ông Lê Văn Tám, ngụ tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh), cho biết gia đình ông trồng chuyên canh hơn 1ha dừa; trước đây (khoảng năm 2009) giá dừa đứng ở mức cao, có lúc lên đến 120.000 đồng/chục. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2011-2012, giá dừa xuống thấp, có lúc chỉ còn 10.000 đồng/chục. Đến kỳ thu hoạch, bán không ai mua nên dừa rơi rụng đầy vườn, khiến ông bỏ mặc vườn dừa và có ý định phá bỏ một phần để trồng cây khác.
Nay giá dừa tăng, tuy vẫn còn đứng ở mức thấp nhưng gia đình ông vẫn có thu nhập từ vườn dừa khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, trồng dừa mất ít công chăm sóc, mức đầu tư thấp, hàng tháng theo định kỳ thương lái đến vườn tự hái gom, nhà vườn chỉ có “nhiệm vụ” đếm và tính tiền.
Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2016, giá dừa khô sẽ còn tiếp tục tăng. Bởi lẽ vào thời điểm này, các cơ sở sản xuất kinh doanh dừa trong và ngoài tỉnh sẽ tích cực thu mua dừa phục vụ nhu cầu nguyên liệu sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm xuất khẩu cho thị trường trong những tháng cuối năm.
Trà Vinh hiện có gần 14.000 ha dừa trồng chuyên canh và hơn 2.000ha trồng xen canh; tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và Châu Thành.
Có thể bạn quan tâm

Do hạn hán kéo dài, không đủ nước sản xuất lúa nên vụ hè-thu năm nay, anh Lê Quang Thành, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã chuyển đổi 9 sào ruộng lúa nước sang trồng dưa hồng xiêm.

Đầu năm đến nay, Trạm Thú y huyện Thuận Nam đã hoàn thành tiêm phòng vắcxin đợt I/2013 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Trong đó, tiêm tụ huyết trùng cho trâu, bò 4.640 con; dê, cừu 9.470 con; heo 1.640 con và tiêm phòng dịch tả cho heo được 1.635 con.

Tổ hợp tác rau sạch thôn 4 xã Tâm Thắng đã phát triển được gần 20 ha rau sạch với sự tham gia tích cực của 10 thành viên. Trong thời gian qua, cùng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT, các thành viên trong tổ hợp tác đã chú trọng công tác áp dụng các loại giống cây mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo đó, tính đến nay tổ hợp tác đã trồng các loại rau như: dưa leo, mướp đắng, đậu cô ve, rau cải bắp…

Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.