Nhà Nông Đột Phá Công Nghệ Cao

Nhiều nông dân TP.HCM đã bắt đầu đột phá vào công nghệ cao như: Nhà kính, hệ thống tưới phun sương..., thậm chí sẽ đầu tư vào công nghệ sinh học.
Tận dụng những kiến thức của một kỹ sư cơ khí, anh Nguyễn Thanh Phong (xã An Phú, huyện Củ Chi) đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng để tự xây dựng nhà kính trồng lan hồ điệp. Anh cho rằng, nếu không dám mạo hiểm tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, những công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất khó đột phá để nâng cao giá trị sản xuất. Hiện anh đang trồng hơn 20.000 gốc lan hồ điệp đang trong quá trình thu hoạch hoa.
Đồng quan điểm với anh Phong, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi)- chủ một vườn lan rộng 4ha, cũng cho biết làm nông bây giờ, nhất là trong điều kiện ở TP.HCM nếu không dám đầu tư, tận dụng chất xám trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ cao thì rất khó thành công. Hiện chị đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống tưới phun sương và nhà lưới cho trang trại lan.
Chị Thanh Huyền cho biết đang có kế hoạch đầu tư hệ thống cấy mô để nhân giống lan. “Tôi đã sang nước ngoài xem hệ thống cấy mô rồi. Tôi cần trang bị kiến thức thêm trước khi đầu tư hệ thống này” - chị nói. Theo chị Huyền, chi phí đầu tư hệ thống cấy mô và công trình nghiên cứu cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng phòng Kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM), chương trình chuyển giao công nghệ cao cho nông dân ở TP.HCM đang diễn ra khá chậm. Tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) - một xã điểm trong chương trình chuyển giao công nghệ cao của thành phố, việc chuyển giao cho đến giờ cũng mới chỉ là cây, con giống, các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và một số mô hình nhà lưới, hệ thống tưới phun sương, máy vắt sữa bò.
Ông Mai Văn Nhắc – cán bộ khuyến nông xã cho biết cả xã cũng chỉ có chưa đến chục hộ trồng lan được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM hỗ trợ hệ thống tưới phun sương và nhà lưới. Lý giải điều này, chị Nguyễn Thị Nguyên Trinh – Trưởng phòng Quản lý kế hoạch và chuyển giao công nghệ (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho biết giữa cung - cầu còn khập khễnh.
Nông dân luôn tính đến hiệu quả kinh tế, tính an toàn… trước khi quyết định đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, một chủ vườn lan ở Củ Chi lại cho rằng nguyên nhân là do công nghệ được chuyển giao giá thành còn khá cao.
Theo tính toán của nông dân trồng lan tại TP.HCM, đầu tư một nhà kính rộng 1.000m2 giá thành khoảng 3 tỷ đồng, cùng diện tích nhà lưới là 400 triệu đồng. Theo chị Nguyên Trinh, trong thời gian tới trung tâm sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ sinh học cho nông dân TP.HCM và các tỉnh, thành trong nước.
Có thể bạn quan tâm

Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề nuôi lợn ở xã Đại An, huyện Thanh Ba, Phú Thọ rất phát triển. Nhưng đằng sau đó là câu chuyện lo âu về môi trường.

Dưa chuột SL1.2 có đặc tính sinh trưởng mạnh, phân nhánh nhiều, khả năng ra hoa và đậu quả cao, quả suôn, dài 19 - 21cm, giòn, ngọt.

Đây là ổ dịch LMLM đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ đầu năm 2015 đến nay.

Ngoài giải Nhất thuộc về đội chủ nhà Hậu Giang; 2 đội Trà Vinh và Tiền Giang cùng đoạt giải Nhì; giải Ba được trao cho các đội Vĩnh Long, Bến Tre và Bạc Liêu; các đội còn lại được nhận giải khuyến khích.

Theo đó, 6 loài cá quý hiếm, đặc sản được tỉnh chú trọng là cá dầm xanh, anh vũ, lăng chấm, chiên, bỗng và cá tầm.