Nguồn Cung Tăng Khiến Mít Thái Giảm Giá Mạnh

Hơn 1 tháng nay, người trồng mít Thái siêu sớm ở các vùng trọng điểm chuyên canh mít của tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy đứng ngồi không yên vì loại mít này bất ngờ tuột giá mạnh.
Chỉ trong vòng một tháng, giá mít đã giảm tới hơn 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi hecta trồng mít trong mấy năm trước giờ đây là điều không tưởng.
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng mít ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay thương lái thu mua mít Thái siêu sớm loại 1 (mít tròn đều, không bị sâu, trọng lượng từ 15kg trở lên) chỉ ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, mít loại 2 có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí mít loại 3 chỉ được mua với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg. So với tháng trước, giá mít đã giảm gần 10.000 đồng/kg, còn so với giá mít cao nhất năm ngoái, mít giảm hơn 17.000 đồng/kg.
"Mấy năm trước, nghe thông tin một số điểm trồng mít đạt hiệu quả cao, lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm chỉ từ vài công đất (mỗi công đất bằng 1.000m2) nên gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển 3.000m2 vườn tạp sang trồng mít. Đến nay hơn 3 năm, mít bắt đầu có trái nhiều, giá mít sụt thê thảm, việc tiêu thụ mít cũng gặp khó khăn do lượng mít đổ về các vựa trái cây rất nhiều, chủ vựa mạnh tay phân loại mít xuống loại 2, loại 3", ông Thành than thở.
Thực tế cho thấy, dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến đường cửa ngõ vào Tp Hồ Chí Minh có rất nhiều tiểu thương, xe đẩy bán mít Thái chín (trái loại 2, loại 3) dọc đường cho người tiêu dùng với giá rất mềm chỉ 10.000 đồng/kg mít.
Theo Bà Trần Thị Lài, thương lái thu mua mít ở thị trấn Cai Lậy, cách đây 2 năm mít Thái siêu sớm từng được xem là một loại cây trồng dễ "làm giàu" vì kỹ thuật canh tác không quá khó, năng suất mít đạt 35 - 40 tấn/ha (tùy theo tuổi vườn mít), nhất là giá mít có thời điểm lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Một số ít vườn mít đi đầu trong phong trào trồng mít Thái siêu sớm dễ dàng đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng mỗi hecta trồng mít. Điều này đã thôi thúc nhiều nông dân đổ xô nhau trồng loại mít này.
Đến nay, diện tích mít Thái này bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt khiến nguồn cung mít cho thị trường tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng không đáng kể, nên giá mít giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đây, một số chuyên gia ngành nông nghiệp đã cảnh báo nguy cơ này. Vì vậy, nông dân cần rút kinh nghiệm phải suy tính kỹ khi quyết định nuôi trồng một loại cây, con nào đó.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Tiền Giang có gần 1.000 hecta mít (tỷ lệ cho trái hơn 70%), tập trung nhiều nhất ở huyện Cai Lậy (khoảng 500 hecta), huyện Cái Bè (khoảng 200 hecta)...
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long vừa triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng bắp lai trên nền đất lúa kém hiệu quả” tại xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn).

Hiện nay trên các trà lúa xuân tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An xuất hiện hơn 1000 ha lúa bị nhiễm vàng lá, tập trung chủ yếu ở Nam Đàn 350 ha, Diễn Châu gần 400 ha, Quỳnh Lưu trên 250 ha và nhiều huyện đồng bằng, một số xã thuộc huyện miền núi thấp.

Sáng 19-4, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP (Hà Tĩnh) tổ chức lễ khởi công Trung tâm Giống hươu Việt Nam tại huyện Hương Sơn. Dự án Trung tâm Giống hươu Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích gần 50 ha thuộc hai xã Sơn Quang và Sơn Lĩnh, trong đó: giai đoạn 1 (2015 - 2016) xây dựng trên diện tích 16 ha, có tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, với tổng đàn 1.000 con hươu giống; giai đoạn 2 (2016 - 2017) mở rộng khoảng 30 ha với khoảng 5.000 đến 10.000 con, gồm nuôi tập trung và nuôi liên kết hộ gia đình.

Gắn bó với nghề chăn nuôi gà từ những ngày đầu khi mới lập nghiệp, trải qua nhiều khó khăn, giờ đây anh Lê Văn Sỉ (38 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã trở thành chủ nhân của gia trại nuôi gà nòi Bến Tre. Mỗi năm, gia trại này cho anh Sỉ lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

NNVN từng phản ánh một nghịch lý: trong lúc gạo Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai, không xuất được sang Trung Quốc thì tại các cửa khẩu tỉnh Nghệ An, An Giang... trâu bò lậu, thậm chí cả chó lậu ùn ùn vào nội địa. Nay lại thêm chuyện lạ - gà Việt Nam sang Trung Quốc…