Người Xtiêng Trồng Cao Su

Cây cao su đã làm thay đổi cuộc sống của người Xtiêng ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành (Đồng Nai).
Cao su thay đổi cuộc sống
Theo các già làng người Xtiêng thì cha ông họ có nguồn gốc từ vùng núi rừng Bình Phước, nhưng cách đây khoảng 30 năm đã men theo dòng sông Đồng Nai xuống đây để định cư. Những ngày đầu thật vô vàn khó khăn...
Nhưng giờ thì dọc hai bên đường vào làng là những vườn cao su xen lẫn những cột tiêu xanh ngát, trải dài hun hút. Đứng trước cổng làng, nhìn những cột điện gắn bóng đèn cao áp thắp sáng màn đêm, chúng tôi không khỏi mừng thầm cho cuộc sống của đồng bào.
Anh Điểu Hoát (37 tuổi), đang chăm sóc vườn cao su nhà mình, nhìn chúng tôi tươi cười: “Ở đây bây giờ nhà nào cũng trồng cao su. Nhiều thì ngàn gốc, ít thì năm bảy trăm gốc. Thế nên, bắt đầu từ tháng 6, tháng 7 là nhà nào cũng có tiền nhờ bán mủ cao su. Giá mủ năm nay có giảm nhưng với chúng tôi vẫn ở mức cao, bởi nhà nào cũng thu được 15-20 triệu đồng một vụ cao su”.
Theo anh Điểu Hoát, hầu hết cao su ở làng đều được trồng vào khoảng năm 2007-2008 do Hội Nông dân huyện hỗ trợ vốn và cây giống. Đến nay, các lứa cao su đều đã bắt đầu cho mủ, bởi đây là cao su cao sản, chỉ hơn 5 năm là thu hoạch được.
Anh Điểu Phua-cán bộ nông nghiệp xã Tân Hiệp, một trong những người tiên phong trồng cao su và vận động bà con trồng theo, tâm sự: “Mấy năm trước đây đời sống còn khó khăn nên chúng tôi vận động bà con Xtiêng trồng cây công nghiệp lâu năm là rất khó, vì mọi người chỉ quen với các loại cây ngắn ngày. Phần vì nhận thức, phần vì đời sống khó khăn, trồng cây ngắn ngày nhanh cho thu hoạch, quay vòng quỹ đất thuận lợi.
Tuy nhiên theo đánh giá, địa bàn Tân Hiệp là nơi thuận lợi phát triển cây công nghiệp nên khuyến khích, vận động bà con trồng thử. Thế rồi, bằng những nỗ lực, khắp các thửa ruộng quanh làng dần dần đều được phủ xanh bằng những cây cao su non.
Sau mấy năm đầu vất vả, nay cây cao su đã mang lại thành quả ấm no cho bà con người Xtiêng. Hiện nay, nhà nào cũng có tivi để xem tin tức, thời sự, học hỏi các kỹ thuật canh tác, thu hoạch, giá cả cao su. Cả làng không còn hộ đói, trẻ em đến tuổi đều được học chữ...
Chẳng ai muốn bỏ làng đi nữa
Từ những cánh rừng hoang, ngọn núi cằn khô, sau gần 30 năm định cư, những ruộng lúa, ruộng rau, cây điều, tiêu, cao su đã bén rễ, góp phần thay đổi cuộc sống bà con Xtiêng.
Do lịch sử làng là của những hộ dân di cư lập nên, nên nhiều bà con trong làng vẫn có tư tưởng “ở đâu đất tốt thì tới, vài năm sau lại đi” khiến cho cuộc sống không ổn định. Nhận thức được điều này, chính quyền xã Tân Hiệp đã có kế hoạch “giữ chân” đồng bào Xtiêng ở lại bằng cách… xây nhà kiên cố cho các hộ dân tộc nơi đây.
Cuối năm 2009, huyện Long Thành đã đầu tư xây dựng 40 căn nhà kiên cố với tường gạch, lợp proximăng trị giá gần 70 triệu đồng/căn để tặng cho các hộ gia đình Xtiêng. Mỗi căn nhà có diện tích hơn 40m2, có hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh thuận lợi cho 4-6 người ở. Nhờ chủ trương “an cư lạc nghiệp” này mà các hộ đồng bào Xtiêng an tâm sinh sống, lao động trên vùng đất mới.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù diện tích nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ năm nay có giảm so với năm trước, nhưng các hộ nông dân thuộc các xã: Mỹ Thọ, Phương Trà, Bình Hàng Trung, Gáo Giồng và Ba Sao của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn duy trì mô hình này. Đa phần nông dân nuôi cá trên ruộng lúa khi hết vụ lúa hè thu hoặc sau 3 vụ lúa, tận dụng gốc rạ, lúa chét và mùa nước để thả cá vào ruộng.

Theo số liệu điều tra, đến nay đàn heo trong tỉnh Vĩnh Long (không kể heo con còn theo mẹ) có 348.625 con, tăng 26,4% (hay 72.796 con) so với cùng kỳ năm ngoái; đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng vụ Đông Xuân) có 7.094.060 con (tăng 35,2% hay 1.845.260 con so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: đàn gà 3.051.260 con (tăng 43,1%), đàn vịt 1.930.710 con (tăng 26,5%).

Trong vụ xuân và vụ mùa 2014, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm nhiều giống lúa; riêng vụ mùa đã khảo nghiệm so sánh 22 giống lúa tại Trạm thực nghiệm giống cây trồng của trung tâm; khảo nghiệm sản xuất 7 giống lúa có triển vọng và sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tại Trạm thực nghiệm và 3 HTX đại diện cho các vùng sinh thái của thành phố.

Vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang phát động thi đua ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) trên toàn tỉnh thu hút 81 nông dân đăng ký tham gia ứng dụng trên tổng diện tích hơn 1.200 héc-ta. TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đánh giá: “Chương trình rất có ích cho nông dân và nông thôn.

Nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, gia đình anh Lương Xuân Hùng ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm bào ngư. Hiện nay gia đình anh có 3 nhà nấm, mỗi vụ trồng được khoảng 9.000 bịch phôi giống. Với giá bán cho thương lái trung bình 12.000 đồng/kg, gia đình thu lời khoảng 30 triệu đồng/vụ.