Người Trồng Sắn Lao Đao Vì Nhà Máy Ethannol

Một mặt muốn bỏ sắn, một mặt vẫn muốn trồng để nghe ngóng tiến độ thi công của nhà máy nhiên liệu sinh học là tình trạng hiện nay của các hộ dân trồng sắn xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.
Với nhiều người dân các xã Khả cửu, Đông cửu và Thượng Cửu của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, thu nhập chính vẫn là từ trồng sắn. Vì vậy, năm 2011 nhiều gia đình ở đây đã đăng ký tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol. Thế nhưng, hiện tại nhà máy này đang hoạt động rất cầm chừng khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn, không biết sắn trồng ra có bán được hay không.
Anh Nguyễn Quang Thắng - xã Khả Cửu là một trong nhiều người dân đã được lựa chọn tham gia dự án trồng sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy ethanol từ năm 2011. Tuy nhiên, do đến giờ nhà máy còn chưa xây xong, nên anh và các hộ khác đành phải bán sắn cho các thương lái nhỏ lẻ mà không có một hợp đồng kinh tế ràng buộc nào. Giá cả, sản lượng tiêu thụ hoàn toàn do người mua định đoạt. Năm nay, chỉ còn hơn tháng nữa là thu hoạch sắn và anh Thắng cũng như nhiều người dân vẫn luôn ở tình trạng phấp phỏng lo âu cho đầu ra của loại cây này.
“Gia đình tôi trồng hơn 3.000 ha sắn, nhà máy hứa thu mua sắn ổn định với giá 1.200 đồng/kg sắn tươi. Tuy nhiên, sau đó nhà máy không thực hiện được như đã hứa, nên chúng tôi phải bán cho thương lái và bị ép giá chỉ còn 1.000 đồng/kg”, anh Thắng cho hay.
Theo như kế hoạch, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol duy nhất tại miền Bắc được đặt tại huyện Tam Nông, Phú Thọ sẽ đi vào hoạt động từ 2011, thế nhưng đã hơn 1 năm nay nhà máy này vẫn tồn tại như một công trình bỏ hoang. Lý do là bởi lãi suất, giá cả vật tư đã tăng cao so với dự kiến, khiến công ty không thể đủ vốn để tiếp tục triển khai dự án. Do đó, dù đã hoàn thành 90% khối lượng, nhà máy vẫn phải “đắp chiếu nằm chờ”. Không chỉ thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư mà tình trạng đình trệ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
“Do dự án dừng lại nên tất cả chương trình được lên kế hoạch trước đó để phát triển vùng nhiên liệu phải thay đổi. Vì vậy, sau này nhà máy hoàn thành, việc phát triển vùng nguyên liệu chắc chắn gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Đình Đăng - Trưởng phòng nguyên liệu Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí cho hay.
Cả thôn Bái, ở xã Đông cửu, huyện Thanh sơn, từng có thời điểm nhà nhà vui mừng vì sự kiện xây dựng nhà máy ethanol. Thế nhưng, bây giờ những lò sấy sắn khô đã phải chuyển sang làm chuồng nuôi lợn. Cả thôn giờ chỉ còn gia đình anh Trần Văn Dự là đang làm ăn thật sự với cây sắn, khi anh vừa trồng nhiều nhất xã, vừa buôn sắn.
10 năm nay, có hai cái xe ô tô để vận chuyển sắn, nhưng anh Dự cho biết nếu cứ giữ tình trạng các nhà máy chế biến sắn như hiện nay không chỉ bà con bị ép giá, mà người đi buôn như anh cũng không ngoại lệ. “Nhà máy độc quyền ép giá chúng tôi, chúng tôi buộc phải mua thấp giá nguyên liệu từ bà con”, anh Dự nói.
Anh Hà Minh Sứ - Trưởng thôn Bái, xã Đông Cửu cho biết, cũng nhờ có nhà máy ethanol năm 2010-2011 giá sắn lên cao đỉnh điểm. Năm ngoái, hầu hết mọi gia đình trong thôn ai ai cũng trồng sắn. Riêng gia đình anh cũng trồng liền 5ha. Thế nhưng, năm nay nhà máy ethanol vẫn chưa biết khi nào đi vào hoạt động, nên diện tích trồng sắn lại giảm 200ha.
Toàn huyện Thanh Sơn có 1500ha sắn, nhưng từ khi có chuyện nhà máy ethanol chậm tiến độ, cây sắn càng không được coi trọng. Dân tự quyết định trồng hay bỏ, còn chính quyền lại buông tay trong quản lý. Hệ lụy từ việc hoạt động cầm chừng hay dừng nửa chừng của các nhà máy ethanol đang đè nặng lên vai nông dân trồng sắn.
Có thể bạn quan tâm

Cùng với tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch; có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cho cả đàn vật nuôi, cắt đứt mầm bệnh có thể xâm nhập và gây hại. Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 28/2 đến ngày 28/3, sẽ tiến hành chiến dịch phun khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Đông Hiếu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao của xóm Đông Du 1. Con đường bê tông thoáng rộng nối liền các tổ liên gia trong xóm được bao bọc bởi những vườn thanh long, vườn tiêu, vườn rau ngót xanh ngút ngát.

Chưa vào chính vụ, nhưng giá tỏi ở Lý Sơn giảm thê thảm. Cả đảo Lý Sơn vụ này trồng khoảng 360 ha tỏi. Mỗi năm một vụ, nông dân đặt bao kỳ vọng vào cây tỏi, thế mà nay đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Hiện nay tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hạ Hòa là 1.900 ha, trong đó diện tích chuyên nuôi 1.422 ha. Sản lượng thủy sản đánh bắt khai thác năm 2013 đạt 5.500 tấn. Nhiều nơi có diện tích nuôi thả lớn như Đầm Ao Châu– thị trấn Hạ Hòa; Ngòi Vần - xã Hiền Lương; đầm Chì, đầm Móng Hội xã Lâm Lợi, đầm Chính Công...

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại nên tổng diện tích lúa chiêm xuân của huyện bị thiệt hại xấp xỉ 570ha, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 334,3ha (lúa lai 75,6ha, lúa thuần 247,1ha); diện tích bị thiệt hại trên 70% là 261,5ha (lúa lai 14,4ha, lúa thuần 247,1 ha).