Người Trồng Mía Gánh Nhiều Nỗi Lo

Ở Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch mía, song người trồng mía kém vui bởi nhiều nỗi lo: năng suất thấp, giá giảm mạnh, chữ đường trồi sụt khó lường và bị đánh giá tạp chất cao.
Theo nhiều người trồng mía, chữ đường tăng hoặc giảm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Ở vụ mía này, các nhà máy quy định, cứ giảm 1 chữ đường sẽ trừ 85 ngàn đồng/tấn. Như vậy, chỉ cần giảm 1 chữ đường, nông dân sẽ mất hơn 5 triệu đồng/hécta. Nếu bị đánh giá tạp chất cao, sẽ bị trừ thêm gần 1 triệu đồng/hécta.
* Thắc mắc chữ đường, tạp chất
Niên vụ 2013-2014, giá mía tại bàn cân nhà máy chỉ còn 930-950 ngàn đồng/tấn với mía 10 chữ đường, giảm hơn 100 ngàn đồng/tấn so với vụ trước. Nhiều người trồng mía đang thắc mắc việc đo chữ đường và tạp chất của các nhà máy. Trong thực tế, rất ít nông dân trồng mía đạt được 10 chữ đường, đa số chỉ đạt trên dưới 8 chữ đường. Vì thế, giá mía nông dân bán tại bàn cân nhà máy chỉ chừng 700-780 ngàn đồng/tấn. Tính chi phí đầu tư, thuê thợ chặt, xe chở mía về nhà máy, nông dân hết lời.
Ông Ngô Ngọc Hưởng ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói: “Cùng một ruộng mía chăm sóc như nhau và thu hoạch đưa về nhà máy cùng thời điểm, song xe thì đo được 9 chữ đường, xe chỉ gần 8 chữ“. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 1, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), thắc mắc: “Mía thu hoạch đầu vụ với cuối vụ chênh nhau 1-2 chữ đường còn hợp lý, nhưng thu cùng thời điểm mà chênh nhau đến 2 chữ đường là rất vô lý. Và cùng là mía như nhau, có xe đánh giá tạp chất cao, xe lại thấp”.
Lý giải vấn đề kiểm tra chữ đường, tạp chất, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An Trần Văn Ngà khẳng định: “Nhà máy từ trước đến nay làm việc rất uy tín, không có chuyện gian lận chữ đường hoặc cố tình đẩy tạp chất trong mía lên cao để trừ tiền của nông dân”. Tuy nhiên, ông Ngà cũng thừa nhận việc đánh giá chữ đường đôi khi chưa thật công bằng. Vì trên một xe mía, nhà máy sẽ lấy ngẫu nhiên một bó mía để đo chữ đường và đánh giá tạp chất. Nếu không may gặp phải bó mía nông dân chặt để ngọn và lá quá nhiều thì chữ đường sẽ thấp, còn tạp chất thì cao. Phía Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng cho hay, việc đo chữ đường và tính tạp chất là vấn đề khá nhiều nông dân trồng mía thắc mắc, nhưng cách đo chữ đường và tạp chất các nhà máy đều giống nhau.
* Lỗi ở khâu nào?
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu, nhận xét: “Mía chăm sóc khác nhau, thu hoạch đầu vụ, giữa vụ hoặc cuối vụ chữ đường tăng, giảm là chuyện bình thường. Song trên cùng ruộng chăm sóc, thu hoạch cùng thời điểm, mía khó có thể chênh nhau đến 2 chữ đường”.
Cũng theo ông Báu, nhiều nông dân đề nghị nên có đơn vị độc lập đo chữ đường, tạp chất trong mía vì sẽ công bằng hơn. Song điều này hiện không thể thực hiện được vì sẽ không có đủ con người, máy móc để làm. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Những giống mía các nhà máy đưa về cho nông dân sản xuất đều là giống có năng suất, chất lượng cao trên 10 chữ đường. Nhưng khi sản xuất tại Đồng Nai, chỉ đạt 8-9 chữ đường thì phải coi lại xem lỗi do khâu nào để tránh thiệt hại cho nông dân”.
Ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, nhận định: “Với giá mía này, những hộ trồng mía có năng suất thấp sẽ lỗ. Để tránh thiệt thòi trong quá trình đo chữ đường, tạp chất, khi thu hoạch nông dân cần làm đúng theo quy trình”. Còn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An yêu cầu nông dân chặt mía sát gốc, năng suất tăng thêm 4 tấn/hécta, còn chữ đường tăng thêm 0,5. Như vậy, nông dân sẽ có thêm hơn 7 triệu đồng/hécta.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến cuối tháng 10-2013 lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong cả nước là 159.500 tấn, tăng hơn 49 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 9, Bộ Công thương vẫn cấp quota nhập khẩu về 75 ngàn tấn đường. Việc nhập khẩu số lượng lớn, kèm theo đường lậu tràn vào Việt Nam khá nhiều buộc các doanh nghiệp mía đường trong nước giảm tiếp 500 đồng/kg đường, xuống còn 14.500 đồng/kg loại đường trắng.
Có thể bạn quan tâm

KTĐT - Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.

Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok

Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…

Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.

Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây