Người Trồng Hoa Tết Thấp Thỏm Lo Chuyện Thời Tiết, Giá Cả

Đầu tư hàng trăm triệu trồng hoa mùa Tết Ất Mùi, nhiều nông dân TP HCM bắt đầu lo thời tiết không thuận, hàng nơi khác tràn về, áp lực giá giảm...
Thời điểm này, hàng ngàn hộ nông dân ở các huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh đang tất bật chuẩn bị xuống giống vụ hoa xuân để kịp bán vào dịp Tết Ất Mùi. Tuy nhiên, người trồng hoa đang “gánh” trên vai nhiều nỗi lo trong mùa hoa Tết sắp tới.
Anh Trịnh Minh Hùng ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng 500 chậu hoa mai, hơn 1.000 chậu hoa giấy cho dịp Tết Nguyên đán. Năm ngoái, gia đình anh chỉ đầu tư trồng mai. Do thời tiết lạnh, hoa không nở rộ nên bị lỗ vốn. Rút kinh nghiệm từ mùa hoa trước nên mùa này, trên diện tích 3.500 m2, anh Hùng phải trồng thêm các loại cây cảnh khác như mai chiếu thủy, tắc, khế, mỗi loại vài trăm chậu.
Anh Trịnh Minh Hùng nói: “Nỗi lo lớn nhất của mình là thời tiết, thứ hai là giá cả. Sợ như mọi năm hàng từ nơi khác về nhiều, giá cả của mình không được như mong muốn. Mình làm nghề này còn do khí hậu, ngoài công bỏ ra còn phụ thuộc vào trời nữa”.
Hiện nay, tổng diện tích trồng hoa và cây cảnh của thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1.600 ha. Trong đó, diện tích trồng hoa để phục vụ Tết Nguyên Đán Ất Mùi là 1.200 ha. Riêng loại hoa được người dân Nam bộ ưa chuộng trong dịp Tết là hoa mai lại giảm khoảng 5% so với năm ngoái.
Tại huyện Củ Chi, nơi có diện tích đất sản xuất lên đến 25.000 ha, với hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ và vị trí gần trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, rất thuận lợi cho việc trồng hoa, cây cảnh. Diện tích trồng hoa lan của huyện Củ Chi đã đạt 185 ha. Mặc dù vậy, mùa hoa Tết năm nay mới chỉ bắt đầu, nhưng người trồng hoa lan ở huyện ngoại thành này đang có rất nhiều nỗi lo.
Trồng hoa lan tuy mang lại hiệu quả cao hơn các loại hoa, cây cảnh khác, nhưng cũng nhiều rủi ro hơn. Những hộ gia đình có ít vốn và ít kinh nghiệm thì không dám trồng loại hoa này. Vì thiếu vốn, bà con nông dân chỉ có thể đầu tư sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ. Nhiều gia đình có đất rộng nhưng cũng xé lẻ trồng nhiều loại hoa với suy nghĩ nếu không được loại này thì có loại hoa kia kéo lại.
Theo bà Nguyễn Thị Bảy ở Ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, bây giờ trồng lan phải chọn giống. Vì nếu chọn giống không kỹ, qua quá trình trồng rất vất vả mà đến khi thu hoạch không hiệu quả kinh tế. Trồng lan hiện nay vốn bỏ ra cao, kỹ thuật không có, mà không biết đầu ra như thế nào, cho nên bà con rất hoang mang và lo lắng.
Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở các huyện ngoại thành của thành phố chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Việc trồng hoa của bà con nông dân ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm. Cứ thấy thị trường chuộng loại hoa nào thì họ đổ xô trồng loại hoa ấy. Thậm chí, sau mỗi mùa hoa tết, người nông dân không biết sang năm sẽ trồng cây gì.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 6 hợp tác xã và 34 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, các tổ hợp tác đang hoạt động chủ yếu nhằm trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh gắn liền với hoạt động của các câu lạc bộ khuyến nông.
Ông Võ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Do đặc thù thành phố hồ Chí Minh là nơi sử dụng nhiều hoa, cây kiểng, cho nên theo tôi, việc cần làm ngay là phải định hướng theo điều kiện, khả năng của từng vùng theo mỗi thời điểm nhất định. Quy mô sản xuất phải cân đối để không làm sản phẩm bị dư thừa hay bị thiếu, dẫn đến tình trạng mất cân đối của thị trường”.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định trồng hoa, cây cảnh là loại hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố đến 2020. Còn những người trồng hoa ở thành phố thì đang mong chờ sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương về kỹ thuật, giống, vốn và thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm mà họ làm ra.
Nguồn bài viết gốc: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Nguoi-trong-hoa-Tet-thap-thom-lo-chuyen-thoi-tiet-gia-ca-108-47807.html
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Hai, chanh tứ quý phát trưởng mạnh, trái to, nhiều nước và đặc biệt là không hạt. Tuy dễ trồng nhưng muốn đạt năng suất và chất lượng, người trồng phải biết cách chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ trong mùa nắng. Ngoài ra còn phải chú ý đề phòng sâu đục thân, sâu vẽ bùa và các bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen có thể làm cho cây suy thoái.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay Việt Nam đã có 44 sản phẩm đạt chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu - Global Aquaculture Alliance (GAA); trong đó có 17 sản phẩm đạt chứng nhận 1 sao, 12 sản phẩm đạt 2 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, Việt Nam là nước có số lượng sản phẩm đạt 4 sao nhiều nhất trên thế giới.

Đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Phó trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết, hiện còn 161 tàu của ngư dân phường 6 đang khai thác cá ngừ đại dương tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dự kiến từ ngày 20 đến 28 tháng Chạp (ngày 8 đến 16/2) các tàu này sẽ cập cảng để ngư dân đón Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Số tôm được bơm tạp chất chủ yếu được chuyển đi tiêu thụ tại chợ, nhà hàng, nơi tổ chức sự kiện, tiệc cưới trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Đội QLTT số 17 đã tạm giữ toàn bộ 150 kg tôm và 5 kg bột, đồng thời lấy mẫu để giám định chất lượng sản phẩm theo quy định.

Anh Nguyễn Xuân Tùng (39 tuổi), chủ tàu QB 91694 TS phấn khởi cho biết thường những chuyến biển trước, con tàu công suất 780 CV của anh tốn chi phí trung bình từ 150-170 triệu đồng/chuyến, nhờ nhiều đợt giảm giá dầu mà chuyến này chỉ còn tốn khoảng 120 triệu đồng, lãi nhiều hơn so với các đợt trước.