Người Trồng Càphê Phấn Khởi Vì Được Mùa, Được Giá

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, nông dân ở một số vùng trồng càphê trong tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch. Trong khi đó, giá càphê bán tại vườn được các thương lái thu mua ở mức cao từ 40.000-41.000 đồng/kg, so với tuần trước tăng gần 2.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá càphê từ đầu vụ đến nay vẫn giữ mức ổn định, không xảy ra tình trạng rộ mùa rớt giá như mọi năm.
Vụ thu hoạch càphê năm nay, nhiều nhà vườn phấn khởi vì sản lượng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh có trên 20.000ha càphê, tập trung ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, Trảng Bom…
Huyện Trảng Bom hiện có trên 2.000ha. Nhiều hộ trồng càphê ở đây cho biết, khác với mọi năm, năm nay càphê được mùa, được giá nhưng người trồng càphê vẫn kém vui vì chi phí đầu tư tăng, giá thị trường liên tục biến động.
Ông Giềng Hòa Quáng, ở ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, cho biết so với năm ngoái thì năm nay vụ mùa càphê trúng hơn. Năm ngoái 1ha, thu hoạch được khoảng 6-7 tạ, năm nay được 1,2-1,3 tấn/ha.
Tuy nhiên, năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu... đều tăng nên người trồng chỉ lấy công làm lãi, nếu thuê nhân công thu hoạch thì lãi chẳng được bao nhiêu. Theo ông Quáng, nếu tính bình quân gia đình thu được 1 tấn, cho giá trị trên 40 triệu đồng, nhưng tiền chi phí mua phân bón mất gần 20 triệu đồng.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, vài năm gần đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây càphê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.
Theo đó, thu nhập của nông dân trồng càphê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.
Đặc biệt, những hộ trồng giống càphê TR4 ở huyện Tân Phú đang bước vào mùa thu hoạch với năng suất ước đạt gần 5 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với giống địa phương.
Từ thực tế trên, huyện Tân Phú đang vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng càphê giống mới, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, khoa học kỹ thuật, hệ thống tưới nước tiết kiệm chi phí sản xuất, từng bước xây dựng những vùng chuyên canh cây càphê đạt năng suất và chất lượng cao.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Dong-Nai-Nguoi-trong-caphe-phan-khoi-vi-duoc-mua-duoc-gia-108-48142.html
Có thể bạn quan tâm

Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn- PTCT. Tổng cục Thủy sản: từ ngày 20/6/2014 các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Ông Peter Pickering thông tin: Syngenta dành sự quan tâm đặc biệt và có kế hoạch hợp tác với các đơn vị có liên quan của Bộ NNPTNT để chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô, giúp nông dân tiếp cận với giải pháp canh tác tiên tiến nhằm phát huy tiềm năng năng suất của giống, gia tăng sản lượng ngô tại các vùng trồng ngô trọng điểm của Việt Nam như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng.

Hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng An, không chỉ đổi thay ở diện mạo nông thôn, đời sống của người dân cũng chuyển biến tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị XK tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “cơn bão” EMS (Hội chứng tôm chết sớm).

Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hiếu là một trong những người “giữ lửa” nghề truyền thống ở làng Hạ Vũ. Sau hơn 20 năm thành lập, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay người chủ cũng là nghệ nhân này đã có một cơ ngơi với hai cơ sở sản xuất gần 600m2, có uy tín trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.