Người Tiên Phong Trồng Thanh Long Trên Đất Khó

Sau nhiều năm canh tác trên diện tích đất gần 2 ha với cây mía, cây mì, gia đình ông Trần Xuân Liêm (SN 1965, làng Kruối, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây thanh long xuất khẩu. Nhờ khí hậu thuận lợi, những lứa quả thanh long đầu tiên đã đem lại kết quả đáng mừng.
Nằm cạnh tỉnh lộ 667, vườn thanh long của ông Liêm nổi bật khi nằm lọt thỏm giữa những ruộng mía xung quanh. Khu vườn có 2.400 trụ thanh long trải một màu xanh mướt cho tới tận chân ngọn đồi phía sau nhà. Mặc dù mới bắt đầu phủ trụ nhưng cây thanh long đã cho lứa hoa lần thứ 9 trong năm, nằm đu đưa trên cành là những quả thanh long đang lớn dần, chỉ vài ngày nữa là có thể thu hoạch.
Trong 2.400 trụ thanh long thì có 1.600 trụ được trồng từ đầu năm 2013. “Hồi đó, đằng sau nhà có trồng một cây thanh long lấy quả ăn chơi, thấy cây tốt và ra rất nhiều trái, tôi bỗng nghĩ sao mình không thử đầu tư trồng loại cây này.
Và thế là quyết định trồng”-ông Liêm kể lại. Nói là vậy nhưng để có được khu vườn xanh tốt như bây giờ không hề dễ dàng.
“Tôi thường xuyên xem ti vi, đọc sách báo để học hỏi các mô hình trồng thanh long ở các nơi khác, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận-vùng chuyên trồng thanh long lớn nhất cả nước. Sau đó tìm đến tận các vườn ở một số huyện khác trong tỉnh tham quan, học tập. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với vợ, tôi quyết định đúc trụ và mua giống về trồng”.
Ông Liêm cẩn trọng chọn mua giống từ tận tỉnh Bình Thuận với giá 5.000 đồng/cây giống. Trung bình chi phí đầu tư cho một trụ thanh long (cả trụ và giống-P.V) khoảng 120.000 đồng. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc chăm sóc, gia đình ông đầu tư hơn 20 triệu đồng cho hệ thống ống béc tưới.
Tính toán lâu dài, ông còn chủ động hợp đồng với một công ty chuyên thu mua thanh long xuất khẩu tại tỉnh Bình Thuận để đảm bảo đầu ra cho vườn cây của mình, nhờ đó mà trong quá trình trồng trọt, ông cũng được công ty hỗ trợ khá nhiều về mặt kỹ thuật để cây thanh long phát triển tốt nhất.
“Trong đợt ra hoa đầu tiên, tôi thuê hẳn một nhân viên kỹ thuật từ Công ty Mười Đỏ (tỉnh Bình Thuận) vào hướng dẫn cách chăm sóc cắt tỉa hoa suốt 3 tháng trời với tiền công 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, đến nay vườn cây lên xanh tốt, ra hoa nhiều, quả lại đạt năng suất”-ông Liêm chia sẻ.
Cũng theo ông Liêm, điểm thuận lợi nhất chính là khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt khiến cho cây thanh long sinh trưởng mạnh hơn hẳn so với nhiều vùng chuyên canh khác.
Nhìn chung, cây thanh long không quá khó trồng, lại cho thu hoạch ổn định. Trung bình cây bắt đầu ra hoa từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch, cứ 10-15 ngày lại ra một lứa. Chỉ tính riêng từ đầu mùa đến nay, gia đình ông Liêm đã thu được gần 100 triệu đồng.
“Hiện tại, vườn thanh long của gia đình tôi vẫn đang trong giai đoạn chăm sóc chọn cành, chưa vào thu hoạch nên mỗi trụ tôi chỉ chọn 5-7 trái, còn lại cắt bỏ để cây tập trung phát triển tốt. Khi vườn cây vào năm thứ 3, ước tính 1.600 trụ trưởng thành hiện tại sẽ cho thu hoạch 20 tấn/lần cắt. Khi ấy chúng tôi sẽ nhập trực tiếp cho công ty thu mua để xuất khẩu.
Cây thanh long lại có tuổi thọ 20-25 năm, với giá bán ổn định như hiện tại thì thu nhập của chúng tôi sẽ tăng lên đáng kể”-ông Liêm nhẩm tính. Sắp tới, ông còn tiếp tục đầu tư hệ thống điện cho vườn thanh long để cây ra quả nghịch vụ, cho thu nhập cao hơn.
Ông Đinh Yưm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) cho biết: “Mô hình trồng thanh long ruột trắng theo hướng xuất khẩu được gia đình ông Liêm thử nghiệm và thành công.
Từ vườn cây của mình, ông Liêm đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong vùng. Năm vừa rồi, gia đình ông Liêm được công nhận sản xuất-kinh doanh giỏi của địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Tại một buổi đấu giá diễn ra ở Chợ bán buôn Trung tâm Sapporo thuộc phía Bắc Hokkaido (Nhật Bản) vào hôm 24-5, cặp dưa vàng Yubari đã được bán với giá 1,6 triệu yên (hơn 331 triệu đồng Việt Nam). Đây là mức giá cao thứ ba từng được trả cho giống dưa vàng danh tiếng

Trước đây, đời sống của gia đình anh Trần Văn Lợi, ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh - Bình Định) rất khó khăn. Năm 2003, anh vay vốn mua 5 con dê, trị giá 10 triệu đồng về nuôi thử, một năm sau 4 con dê cái đẻ 16 dê con (một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa hai con).

Lão ngư Phạm Đáng, chủ tàu cá PY 92447 ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, chuyến biển mới đây, tàu của ông nằm ngoài khơi đến cả tháng trời, câu được có vài con cá, bán được hơn 22 triệu đồng, tính ra lỗ đến hơn 150 triệu đồng. Tương tự như ông Đáng, sợ thua lỗ, nhiều ngư dân ở tỉnh Phú Yên chấp nhận nằm bờ.

Ngành chăn nuôi nước ta có sản lượng thịt heo đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á (chiếm 42,2%), thứ 2 châu Á (chiếm 5%), thứ 6 thế giới (chiếm 2,8%). Sản lượng thịt vịt đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (chiếm 22,4%). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng đầu trong các nước ASEAN và thứ 12 thế giới…

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) diện tích trồng khoai lang năm nay khoảng 2.000ha, thấp hơn so với diện tích sản xuất năm 2012. Do thời gian qua, nguồn cung khoai tím quá nhiều, dẫn đến tình trạng khoai ứ đọng, giá giảm nghiêm trọng.