Người Nuôi Tôm Trước Nỗi Lo Thiếu Điện

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Đặc biệt là bước sang những tháng đầu năm 2014, diện tích ao đầm nuôi tôm công nghiệp của huyện tăng hơn 50% (khoảng 153 ha) so với năm 2013, nâng tổng số hiện nay toàn huyện có hơn 435 ha.
Việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp một cách quá nóng đã kéo theo nhiều hệ luỵ, nhất là thiếu điện phục vụ sản xuất và kiểm soát môi trường gặp khó khăn.
Xã Phong Lạc là địa phương có diện tích ao đầm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện, với hơn 205 ha, kế đến là các xã: Lợi An, Phong Điền, Khánh Bình và thị trấn Trần Văn Thời.
Hiện tôm thẻ chân trắng là đối tượng được người dân thả nuôi nhiều nhất, do năng suất đạt khá cao, từ 6,5-7 tấn/ha và thời gian thực hiện một vụ nuôi tương đối ngắn, khoảng 2,5-3 tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, cho hay, gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp ở xã Phong Lạc phát triển nhanh do năng suất tôm nuôi đạt khá, giá tôm tương đối cao.
Thấy được hiệu quả từ nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng nên hiện nay nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Có hộ quy hoạch mới cùng một lúc 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích hơn 2 ha.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp một cách tự phát, không theo quy hoạch với tốc độ khá nhanh như thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ luỵ. Trong đó, tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất và việc kiểm soát môi trường là những vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng, cuối năm 2013, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã tăng đột biến, do đó việc sử dụng điện phục vụ sản xuất của người dân là hết sức khó khăn. Mặc dù ngành điện và các ngành liên quan tiến hành khảo sát, nâng công suất các trạm điện ở những vùng nuôi tôm tập trung nhưng vẫn không bảo đảm. Tình trạng quá tải dẫn đến cầu dao tự động tự cắt xảy ra thường xuyên.
Ngoài việc thiếu điện phục vụ sản xuất, vấn đề môi trường cũng đáng quan tâm. Ông Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, cho biết: “Cuối năm 2013, khu vực xung quanh chỗ tôi ở chỉ có 10 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng bước sang năm 2014, số hộ nuôi tôm tăng lên 75 hộ. Đáng lo ngại là một số bà con không thấy được trước hậu quả, khi tôm bị dịch bệnh không xử lý một cách triệt để mà xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng đến những hộ xung quanh”.
Nuôi tôm công nghiệp là mô hình mang lại lợi nhuận cao, nhưng mức độ rủi ro cũng không kém. Để vụ nuôi được thành công phải bảo đảm đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật, môi trường… Vì vậy, các ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ người dân trong quá trình nuôi, nhất là kiểm soát chặt chẽ về môi trường và tăng cường hệ thống điện phục vụ sản xuất.
Về phía người dân cũng cần xem xét, việc mở rộng diện tích nuôi tôm phải theo quy hoạch của ngành chuyên môn. Có như vậy, diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung mới được duy trì và phát triển trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2014, trong hai tuần đầu tháng 10, giá xuất khẩu cao su trung bình tiếp tục giảm, chỉ đạt 1.500 USD/tấn, giảm 76 USD/tấn (4,8%) so với mức trung bình trong tháng 9/2014 và giảm 865 USD/tấn (36,6%) so với tháng 10/2013. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2014, ngành cao su xuất khẩu được 713.000 tấn, đạt khoảng 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ về lượng 1,4% và giảm mạnh 26,2% về giá trị do giá giảm sâu 25,2%.

Ngày 22-10, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…

Đáng chú ý là tình hình sản xuất cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang có dấu hiệu khả quan, giá cá tra tăng nên người nuôi đã bắt đầu có lãi. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 7.000 ha với sản lượng 890 ngàn tấn.

Tuần qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.

Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/10/2014, đã có 08/41 nhà máy đường đi vào sản xuất. Các nhà máy đã ép được 416 nghìn tấn mía, sản xuất được 36,8 nghìn tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng múa ép tăng 64 nghìn tấn, lượng đường tăng 7,1 nghìn tấn.