Ngành Cao Su Nỗ Lực Giữ Giá

Trong lúc giá thu mua cao su nguyên liệu của thế giới liên tục sụt giảm, ngành cao su trong nước đã tìm mọi giải pháp để giữ giá thu mua nguyên liệu không giảm thêm.
Giữ giá cho nông dân
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2014, trong hai tuần đầu tháng 10, giá xuất khẩu cao su trung bình tiếp tục giảm, chỉ đạt 1.500 USD/tấn, giảm 76 USD/tấn (4,8%) so với mức trung bình trong tháng 9/2014 và giảm 865 USD/tấn (36,6%) so với tháng 10/2013. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2014, ngành cao su xuất khẩu được 713.000 tấn, đạt khoảng 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ về lượng 1,4% và giảm mạnh 26,2% về giá trị do giá giảm sâu 25,2%.
Trước tình hình tồn kho và giá thu mua cao su nguyên liệu của thế giới có chiều hướng tiếp tục giảm thêm, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã khuyến cáo các hội viên không nên chào bán cao su với giá dưới 1.500 USD/tấn nhằm kìm hãm giá giảm sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, vào gần giữa tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Cao su quốc tế (IRCo) đã mời Hiệp hội cao su của các nước có diện tích trồng cao su lớn là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Campuchia để bàn bạc và đi đến thống nhất là cùng giữ giá xuất khẩu ở mức trên 1.500 USD/tấn.
Động thái này, theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, là do nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới vẫn tăng nhưng không tăng nhanh nên cần hạn chế số lượng, từ đó sẽ giảm áp lực tồn kho, giúp sức cầu tăng trở lại.
Giá xuất khẩu giảm, đã kéo theo giá thu mua cao su nguyên liệu trong nước liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau các động thái giữ giá của ngành cao su, từ giữa tháng 10 đến nay, giá thu mua mủ nguyên liệu tại các nhà máy đã tăng nhẹ.
Theo đó, giá mủ cao su loại một (RSS3) trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tính đến ngày 20/10 ở mức 28.600 đồng/kg, đối với loại hai (SVR10) là 23.400 đồng/kg và mủ cao su tạp (dạng chén) là 10.500 đồng/kg. So với thời điểm giữa tháng 10, giá thu mua mủ trên đã có “cải thiện” hơn khi tăng từ 1.300 - 1.500 đồng/kg. Đây được xem là tín hiệu vui cho người trồng cao su cả nước.
Giảm đầu tư để có lãi
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, mức giá xuất khẩu hiện nay vẫn còn khá thấp đã khiến người trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những hộ dân trồng quy mô nhỏ.
“Đã có hơn 4.000 ha cao su đã được người dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Đây là diện tích cao su già cỗi, khai thác mủ không hiệu quả và diện tích trồng sai kỹ thuật (trồng trên đất ruộng, chất lượng cây giống kém…) nên chuyển đổi là hợp lý.
Chúng tôi khuyến cáo người dân nên tiếp tục giữ vườn nhưng giảm giá thành đầu tư bằng cách giảm công chăm sóc, làm cỏ, phân bón và giảm bớt ngày cạo; chỉ khai thác các vườn cao su có chất lượng tốt, năng suất cao để đảm bảo được có lãi”, bà Hoa cho biết.
VRA đã khuyến cáo người dân đánh giá lại vườn cây của mình để tìm giải pháp sản xuất phù hợp. Theo đó, những vườn cao su có 19 - 20 năm thu hoạch thì đã đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 30%, vẫn có thể giữ vườn nếu năng suất còn cao. Nếu năng suất quá thấp hoặc hiệu quả kém, nên cưa đốn để bán gỗ tạo vốn tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Khi trồng lại, cần sử dụng những giống năng suất cao trên 2 - 3 tấn/ha được Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam khuyến cáo phù hợp theo vùng để đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng đối với những vườn cao su phát triển ngoài vùng quy hoạch hoặc trên những vùng đất không phù hợp, chất lượng vườn cây kém, người dân nên chuyển đổi sang mục đích khác hoặc sang cây trồng khác đang được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tây Hòa (Phú Yên) triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại các hợp tác xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Phong và Hòa Phú với quy mô 11.500m2 và 115.000 con cá giống, 6 hộ tham gia.

Tuy nhiên, người nuôi tôm ở Ấn Độ chỉ nên nuôi một vụ tôm chân trắng thay vì 2, mật độ thả thấp và chú trọng nuôi tôm cỡ lớn. Điều này cũng tương tự như các phương pháp được sử dụng để nuôi tôm sú, loài nuôi truyền thống ở Ấn Độ trong suốt 25 năm qua.

Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn (Ninh Bình) bằng cách riêng, đó là mỗi năm ban tặng vùng đất này chừng 120 ha đến 150 ha đất phù sa lấn biển. Trong mấy năm gần đây, nhờ hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất vốn nghèo khó này.

Được sự chấp thuận của UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngày 08/8/2014, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh đã tổ chức buổi Tổng kết chương trình Chuỗi cung ứng cá tra bền vững và trao giấy chứng nhận GlobalGAP cho Tổ hợp tác Nuôi cá tra bền vững tại hai huyện Tiểu Cần và Cầu Kè do ông Giãng Văn Bảy làm Tổ trưởng.

Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học thuộc Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam-Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phân lập và nhân nuôi thành công chủng nấm có trong Đông trùng hạ thảo.