Người Nuôi Tôm Nói Không Với Chất Kháng Sinh Ở Cà Mau

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ cuối tháng 9/2012, Nhật Bản áp dụng lại việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin (chất bảo quản thức ăn thuỷ sản) và Trifluralin đối với 100% lô tôm Việt Nam nhập khẩu.
Nguyên nhân là chỉ trong vòng một tuần sau khi dỡ bỏ lệnh kiểm tra 30% các lô tôm của Việt Nam về Ethoxyquin, Nhật Bản phát hiện 2 lô tôm của doanh nghiệp Việt Nam nhiễm Ethoxyquin vượt mức 0,01 ppm theo quy định của nước này. Vì thế, phía Nhật Bản quyết định phục hồi tỷ lệ kiểm soát các lô tôm từ Việt Nam lên 100%.
Từ khi Nhật Bản thông báo kiểm tra 100% lô hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam do dư lượng chất kháng sinh gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu và người nuôi tôm, chỉ trong thời gian ngắn, người nuôi tôm đã ý thức không sử dụng các chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thuỷ sản mà chuyển sang các chế phẩm sinh học có lợi.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau, cho biết, trước đây khi Nhật Bản thông báo kiểm tra 100% lô tôm nhập từ Việt Nam đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng tôm. Nhưng trong thời gian ngắn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền người dân đã có ý thức không sử dụng chất kháng sinh mà sử dụng các loại chế phẩm sinh học.
Theo cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Nam Bộ, các loại thuỷ sản nuôi như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra ở các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua không bị phát hiện các loại kháng sinh cấm khi kiểm tra.
Anh Nguyễn Trường Giang, ấp Lung Câu, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: Trước đây, do chưa có chất thay thế nên sử dụng chất Trifluralin dùng để diệt nấm, rong rêu trong ao nuôi tôm và cũng không biết nó là hoá chất bị Nhà nước cấm sử dụng.
Từ khi nghe thông tin nước ngoài sẽ không mua tôm Việt Nam khi phát hiện chất cấm, nông dân chúng tôi chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và điều trị bệnh tôm trong các vụ nuôi vừa qua, năng suất tôm nuôi tăng so với trước. Đồng thời, chúng tôi cũng lựa chọn những thức ăn không có chất Ethoxyquin
Anh Đoàn Minh Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, người nuôi tôm đã ý thức được vấn đề không sử dụng các loại kháng sinh cấm trong nuôi tôm. Bên cạnh đó, người nuôi cũng có kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại chất kháng sinh khác thay thế chất cấm.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để tránh sử dụng các loại sản phẩm có chứa Trifluralin, người nuôi tôm cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và đặc biệt quản lý tốt môi trường ao nuôi. Nên lựa chọn một loại sản phẩm men vi sinh thích hợp để xử lý nước ao nuôi vì tính an toàn sinh học và bền vững cho môi trường nuôi.
Đây được xem là giải pháp tốt nhất khi chưa có chất thay thế để loại bỏ dần việc sử dụng các chất có chứa Trifluralin và các chất kháng sinh khác trong nuôi thuỷ sản, để bảo vệ cho ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu (XK) hàng nông sản qua các cửa khẩu ở Lào Cai hiện đang gặp không ít khó khăn mặc dù các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động.

Dẫn nguồn từ số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục hải quan, Thời báo Ngân hàng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh trong kỳ 2 tháng 8 (từ 16/8 – 31/8) so với kỳ 1 (từ 1 – 15/8), đạt gần 6,98 tỷ USD; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lên hơn 97,23 tỷ USD.

Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), trong phiên đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của NFA ngày 15/9, Thái Lan đã đưa ra mức giá thấp nhất để chào bán 300.000 tấn gạo với giá 475 USD/tấn, trong khi Việt Nam chào bán 400.000 tấn gạo với mức giá cao hơn là 479 USD/tấn.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam do mải "chạy đua" về thứ hạng xuất khẩu nên đã không chú ý đến nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, hạn chế của các mặt hàng nông sản xuất khẩu là chủ yếu xuất thô, chất lượng hàng hóa không đồng nhất khiến cho đối tác không tin tưởng và thường xuyên ép giá.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 41.000 ha cây trồng vụ hè thu, đạt gần 55% so với diện tích gieo trồng. Những địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh như Chư Jút: 11.500 ha/15.970 ha, Krông Nô: 11.500 ha/16.778 ha…