Người nuôi tôm mỏi mòn chờ lũ về

Ngoài huyện Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò có diện tích nuôi tôm càng xanh lớn thì những năm gần đây, TX.Hồng Ngự cũng phát triển nhanh diện tích nuôi tôm càng xanh với gần 72,5ha. Những năm qua, nghề nuôi tôm càng xanh góp phần giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân vùng biên giới.
Năm nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, dù đã gần cuối tháng 7 âm lịch, song mực nước tại các kênh, sông đầu nguồn vẫn còn khá thấp. Theo phản ánh của người dân huyện Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự, mực nước năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 từ 1,2 - 1,5m. Lũ về muộn nên nhiều hộ nuôi tôm ở vùng đầu nguồn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Giếng ở ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự tâm sự: “Gắn bó với nghề nuôi tôm nhiều năm, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh gần đến tháng 8 mà nước lũ vẫn “biệt tăm” thế này. Để tôm phát triển tốt, hơn 1 tháng nay ngày nào tôi cũng phải bơm nước liên tục lên ruộng để thay đổi cho đáy ao sạch.
Nhưng đây chỉ là biện pháp “chữa cháy”, vì nguồn nước bơm lên đồng thời điểm này không có nguồn thức ăn phong phú như khi lũ về. Ngoài việc tốn nhiều chi phí đầu tư hơn những năm trước thì năm nay tình trạng tôm chậm lớn cũng khiến người nuôi tôm lo lắng”.
Những năm gần đây diện tích nuôi tôm càng xanh phát triển mạnh ở TX. Hồng Ngự
Cùng tâm trạng với ông Giếng, anh Lê Văn Hiếu ở ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh chia sẻ: “Tôm của tôi đã đến ngày lên ruộng, nhưng do không có đê bao lửng nên tới giờ tôm vẫn còn treo lại trong ao. Hiện mực nước trên ruộng chỉ khoảng 2 tấc (20cm), trong khi mực nước ít nhất phải 8 tấc thì cho tôm lên đồng mới đảm bảo phát triển tốt.
Hiện tôi đã bao lưới 3,5ha chờ cho tôm ra đồng nhưng mãi không thấy nước lên. Hi vọng con nước cuối tháng 7 sẽ lớn và cầm lâu để cho tôm lên ruộng, chứ nước thấp thế này thì năm nay có nguy cơ lỗ vốn nặng”.
So với cùng kỳ những năm trước, thời gian này là lúc nuôi tôm ở TX.Hồng Ngự bắt đầu thu hoạch tôm trứng. Năm nay lũ về muộn nên gần cuối tháng 7 nhưng toàn TX.Hồng Ngự vẫn chưa có diện tích thu hoạch tôm. Trước tình trạng nắng nóng và lũ về muộn năm nay, Trạm Thủy sản TX.Hồng Ngự luôn cập nhật tình hình sản xuất của bà con.
Đơn vị khuyến cáo người nuôi cần quản lý tình trạng ao nuôi chặt chẽ, thường xuyên bơm nước đối lưu để tránh tình trạng đáy ao dơ, bổ sung kịp thời các loại khoáng chất cần thiết để tôm phát triển và có sức đề kháng tốt...
Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết: “Tôm càng xanh là một trong những đối tượng chiến lược được TX.Hồng Ngư ưu tiên lựa chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thị xã.
Để tạo điều kiện cho ngành hàng này phát triển, từ năm 2013, thị xã dành nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi tôm càng xanh. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí giúp nông dân xây đê bao lửng với mục đích chủ động hơn khi nuôi tôm vào mùa lũ.
Theo đó, mỗi ha nuôi tôm càng xanh, TX.Hồng Ngự sẽ hỗ trợ cho người nuôi 12 triệu đồng. Đây là đòn bẩy, là động lực - một trong những quyết sách góp phần kịp thời giúp người dân vùng đầu nguồn tăng thu nhập, phát triển sinh kế vào mùa lũ”.
Thông thường để nuôi tôm càng xanh vào mùa lũ (vụ thuận), nông dân thường thả con giống trong các ao đầm vào tháng 3 âm lịch. Khoảng 3 tháng sau, khi tôm đã thành thục, nông dân sẽ cho tôm lên đồng để tận dụng nguồn thức ăn phù du trên ruộng vào mùa lũ. Đến khoảng tháng 10 âm lịch, khi lũ rút cũng là thời điểm cư dân vùng đầu nguồn thu hoạch tôm.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, tổng diện tích cây thanh long của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hơn 19 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2014, Hội Nông dân (HND) xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trồng chuối già cấy mô. Qua gần 1 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.

Từ đầu tháng 3 đến nay nắng hạn đến sớm khiến đất trong các nhà vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước. Theo nhận định của bà con nông dân, nắng hạn sẽ làm cho nhà vườn giảm năng suất trái cây mùa hè này và ảnh hưởng đến năng suất một số cây công nghiệp cho thu hoạch trong mùa khô.

Những giống cam nổi tiếng xứ Bắc như: cam sành Bố Hạ, cam Đường Canh, quýt vàng Lạng Sơn… đã đem về quả ngọt cho người dân Sơn Lang khi chỉ với hơn 600 gốc cam, mỗi năm đem về cho chủ nhân bạc tỷ.

Với 300.000 con bò thịt và bò sữa, theo tính toán, “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò.