Người Nuôi Ong Ở Sa Pa Chật Vật Khôi Phục Đàn Ong Mật

Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng vẫn khiến những người nuôi ong mật trên đất SaPa (Lào Cai) “đi ra thở ngắn, đi vào thở dài”. Cũng chỉ tại “ông trời” gây mưa tuyết trung tuần tháng 12/2013 đã giết chết hầu hết số ong nuôi lấy mật.
Ông Lê Thanh Hải, trú tại tổ 5, thị trấn Sa Pa là một trong những hộ nuôi nhiều ong mật nhất Sa Pa. Ông Hải từng có 47 đõ ong, là thành quả lao động trong suốt 3 năm tìm bắt, mua giống ong rừng về nuôi và thuần hóa rồi tách đàn.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm mưa tuyết cuối năm 2013, đàn ong của ông Hải chỉ còn 8 đõ đặt dưới hiên nhà, số để ngoài vườn, trên lưng đồi đều chết hết. Ông Hải ngậm ngùi chia sẻ: 39 đõ đặt ngoài vườn, đêm tuyết rơi, sáng ra kiểm tra mà vã mồ hôi, toàn bộ ong chết cóng, chúng bám vào nhau thành bánh để tránh rét nhưng số phận đã không buông tha.
Do chênh lệch về độ cao địa lý và đặc trưng của thời tiết, nên không ai có thể mua giống ong mật từ các tỉnh, huyện vùng thấp mang lên Sa Pa nuôi. Ong vùng thấp mang tới Sa Pa, nếu vào mùa đông chỉ cần mở nút đõ sau vài giờ là chúng bỏ đi hết. “Muốn nuôi ong ở trên này chỉ có thể tự mình đi tìm hoặc mua lại của bà con bắt từ rừng về” - ông Hải tâm sự.
Năm 2013, ông Hải mua được 13 đàn ong tự nhiên, giá tùy thuộc vào số lượng ong, nên dao động 300 - 500 nghìn đồng/tổ. Theo ông Hải, nếu không có trận mưa tuyết cuối năm 2013, thì vào thời điểm này có nhiều người dân đi bán ong rừng. Mưa tuyết đã xua đàn ong khỏi đất Sa Pa, ong hiếm, nên giá lên tới 1 triệu đồng/đàn.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hải là gia đình ông Nguyễn Văn Dân, trú tại tổ 13, thị trấn Sa Pa. Ông Dân từng có 3 đõ ong nuôi lấy mật, sau trận mưa tuyết lịch sử chỉ còn lại 1 đàn ong. Ông Dân cho biết: Tuyết rơi, ong chết nhanh như bị nhúng vào nước sôi.
Thời điểm tuyết rơi, mọi người chỉ tập trung cứu rau, màu và đưa trâu, bò xuống vùng thấp chứ không có điều kiện để cứu ong, khi kiểm tra thì đã muộn rồi. Năm 2013, ông Dân thu gần 30 lít mật từ 3 đàn ong, thu nhập hơn 10 triệu đồng. Vụ nuôi ong 2014, ông Dân được nhiều người đặt tiền mua mật ong, nhưng đành từ chối, bởi việc tái đàn sẽ rất khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số mật ong Sa Pa đều có chất lượng và hương vị đặc biệt so với mật ong ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 43, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng ong mật Sa Pa cho biết: Mật ong Sa Pa có màu nâu thẫm, mở nút chai ra là có mùi thơm dịu, mật sánh, mịn và để lâu không đóng đường, dù là bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh qua nhiều ngày.
Kinh nghiệm của những vị cao niên trong việc thử mật ong là nhỏ một, hay vài giọt mật trên giấy mỏng mà không bị vỡ và lan rộng thì đó là thứ mật tốt. Khi nếm, mật cho vị ngọt khe khé ở cổ họng, thì có thể khẳng định đó là mật ong Sa Pa.
Đến nay, chưa có thống kê chính xác về thiệt hại của những hộ nuôi ong mật trên địa bàn sau trận mưa tuyết. Sa Pa cũng chưa hình thành câu lạc bộ hay tổ, nhóm những người có cùng sở thích nuôi ong mật, nhưng qua khảo sát của chúng tôi, riêng các tổ dân phố số 5, 11, 12, 13 của thị trấn Sa Pa đã có đến hơn 40 hộ nuôi ong lấy mật. Ngoài gia đình ông Lê Thanh Hải nói trên thì các hộ còn lại đã từng nuôi 3 - 15 đõ ong mật.
Lợi dụng nhiều hộ nuôi ong đang gặp khó, nên nhiều hộ kinh doanh đã nhập mật ong ở nơi khác để bán cho khách du lịch tại trung tâm thị trấn Sa Pa, tất cả họ đều khẳng định sản phẩm là “mật ong rừng địa phương”. Giá bán tùy thuộc vào khách mua, nhưng dao động trong khoảng 100.000 đồng/1 chai dung tích 700 ml. Thật khó thẩm định chất lượng sản phẩm, nhưng nếu sản phẩm là hàng nhái sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi ong Sa Pa trong thời gian tới. Hơn thế, có thể khách du lịch sẽ có ấn tượng xấu về vùng đất du lịch Sa Pa khi dùng mật ong rởm.
Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng trọt. Do đó, trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị thì ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Sáng 23-1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã làm việc với Công ty TNHH Ba Huân để nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này, đồng thời ghi nhận ý kiến của DN đối với Dự án Luật Thú y, Luật Vệ Sinh an toàn lao động, sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5- 2015.

Anh Tô Cẩm Tùng (nhà vườn trồng lan ở Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM) nhận định ở thời điểm tháng 9 và tháng 10, nếu nhà vườn nào kịp kích lan bằng chế độ bón phân, chăm sóc để cây dồn sức cho việc ra và nuôi nụ thì lượng lan nở đều, còn nếu để tự nhiên đều thất bại.

Ông Lâm Định Quốc, giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo thơm của VN đang tăng trưởng mạnh tại các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Mỹ..., trong năm 2015 công ty đã liên kết với người dân tăng diện tích trồng lúa thơm từ 1.800ha (năm 2014) lên 4.000ha theo hình thức bao tiêu.

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết trong năm 2014 VN xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê với kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD, nhưng phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài mua xuất khẩu nên cà phê VN bị ép giá.