Người Nuôi Gia Cầm Khốn Đốn Vì Ảnh Hưởng Của Dịch Bệnh

Những ngày gần đây, liên tục có thêm các tỉnh, thành phố công bố xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm. Tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) nói riêng cũng như cả tỉnh nói chung, công tác phòng chống dịch đang được tích cực triển khai nhưng giá cả và sức mua mặt hàng này đã tụt dốc, khiến người nuôi lỗ nặng.
Chúng tôi đến trang trại nuôi gà gần 4 ngàn con của ông Nguyễn Văn Phúc – thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi vào lúc đàn gà đã quá tuổi xuất chuồng nhưng chưa bán được. Ông Phúc cho biết, ông nhận nuôi gà gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam từ 14 năm nay, nhưng chưa lúc nào tình hình lại khó khăn như hiện tại.
Tính đến ngày 4/3 là thời điểm đàn gà giống CP 707 của ông đã quá tuổi xuất chuồng đúng 13 ngày nhưng mới chỉ bán được 700 con/tổng đàn 4.000 con. Số gà còn lại vẫn chưa có đầu ra. Mỗi ngày, trang trại nuôi gà này phải chi khoảng 7,2 triệu đồng tiền thức ăn để duy trì đàn.
Những khó khăn tại trang trại gia cầm của ông Phúc cũng là tình hình chung của nhiều hộ chăn nuôi hiện nay. Mặc dù thời điểm hiện tại, TP Phan Thiết cũng như cả tỉnh nói chung vẫn chưa xảy ra dịch cúm, nhưng tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn hết sức dè dặt khi lựa chọn các sản phẩm của gia cầm để sử dụng. Tại các chợ, siêu thị, thịt gà, vịt, bồ câu đều tiêu thụ chậm so với thời điểm trước khi bùng phát dịch trên cả nước.
Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh khiến cho người chăn nuôi lao đao. Hiện tại, giá thịt gà khi xuất chuồng tại Phan Thiết đã lỗ từ 15 đến 20% giá thành sản phẩm. Riêng gà công nghiệp có thời gian tăng trưởng 60 ngày thì người nuôi chỉ bán được với giá 27 ngàn đồng/kg, so với giá sản phẩm là 40 ngàn đồng/kg. Tức người nuôi phải chịu lỗ khoảng 13 ngàn đồng/kg. Hiện nay, nếu bán đúng ngày xuất chuồng thì người chăn nuôi bị lỗ vốn, còn nếu cầm cự thì lại tốn chi phí khá cao để duy trì đàn.
Để hỗ trợ người chăn nuôi đối phó với nguy cơ lây lan của dịch cúm gia cầm, các phòng ban của TP Phan Thiết đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch. Vào chiều 4/3, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.
Trong đó, để sát cánh cùng người chăn nuôi, TP Phan Thiết sẽ tăng cường việc kiểm tra các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Giám sát, kiểm tra các sản phẩm gia cầm nhập về các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Để khắc phục ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, hiện nay các cơ sở chăn nuôi đang tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, không để mầm móng bệnh xuất hiện. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hộ nuôi cũng đang tích cực tìm đầu ra sản phẩm thông qua nhiều kênh phân phối trong và ngoài tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân (Vĩnh Long) tăng vùn vụt, gấp gần 4 lần so với hơn 1 tháng trước. Giá tăng, người dân bắt đầu quay lại trồng khoai nhưng vẫn phập phồng lo sợ vì có thể giá sẽ tiếp tục xuống thấp như trước đây.

Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy một gen cực quý có trong lúa ma mà họ lấy mẫu ADN tại tỉnh Tiền Giang và TP Cần Thơ từ 2-3 năm trước.

Cá rô phi có thịt trắng, ít mỡ và có thể chế biến được nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, loài thủy sản này dễ nuôi, có thể sinh sống và phát triển tốt ở hệ sinh thái nước ngọt, lợ… ít bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao; giá thành sản xuất thấp.

Nghề Lờ dây phát triển mạnh tại các tỉnh duyên hải. Đây là nghề hoạt động tự phát, chủ yếu khai thác ở vùng ven bờ, đánh bắt tất cả các loài thủy sản lớn nhỏ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái vùng ven biển.

Về xã Như Hòa (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), chúng tôi được người dân nơi đây kể nhiều về mô hình nuôi cá trắm đen của anh Nguyễn Văn Thảnh ở xóm 7.