Người Góp Phần Tích Cực Trong Việc Lai Tạo Đàn Bò Ở Tây Sơn (Bình Định)

Sau hơn 20 năm làm nghề dẫn tinh viên, ông Võ Kỳ Nam, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giúp lai tạo, cho ra đời được vô số bò lai. Tốt nghiệp đại học năm 1990, với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi - thú y, ông Nam về làm cán bộ thú y cơ sở tại địa phương. Năm 1995, ông đi học thêm lớp dẫn tinh viên phối giống bò tại Ba Vì (Hà Tây) và gắn bó với nghề này cho đến nay.
Ông tâm sự: “Đối với nông dân xứ mình, con bò là cả cơ nghiệp. Nhưng lâu nay bà con vẫn nuôi giống bò sẻ, bò cỏ đã thoái hóa và có nhiều nhược điểm; lại cho sinh đẻ tự nhiên, nên hiệu quả kinh tế không cao. Tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để cải tạo giống bò ở địa phương. Và để có thực tế cho bà con tin, tôi đã áp dụng ngay trên con bò cái của gia đình. Sản phẩm đầu tay của tôi là một con bê lai khỏe mạnh, dòng Brahman. Nghe tin, bà con đến tận chuồng tham quan, ai thấy cũng mê”.
Thời gian qua, ông Nam đã góp phần tích cực trong việc lai tạo đàn bò ở Tây Sơn. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, đã có 1.333 con bò được ông thụ tinh nhân tạo, tỉ lệ đậu thai trên 80%. Theo ông Nam, để bò đạt được tỉ lệ đậu thai cao cũng như sinh đẻ thành công, ngoài tay nghề của dẫn tinh viên, cần phải hội đủ 3 điều kiện: Chọn thời điểm truyền tinh thích hợp, chất lượng tinh tốt, nhất là kỹ thuật chăm sóc trong giai đoạn bò mang thai. Ngoài vai trò dẫn tinh viên, ông Nam còn là người chuyển giao kỹ thuật nuôi bò, tận tình hướng dẫn người chăn nuôi về cách chăm sóc, quản lý, phòng ngừa dịch bệnh và theo dõi thời điểm phối giống thích hợp cho bò để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông còn là nông dân sản xuất giỏi của huyện Tây Sơn. Gia đình ông đang sở hữu một ao cá nước ngọt với diện tích hơn 4 ha, mỗi năm thu gần 10 tấn cá các loại. Ông còn nuôi trên 2.000 con vịt đẻ; buôn bán thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, phối giống heo… có tổng thu nhập hàng năm trên 350 triệu đồng. Với những thành tích đạt được, ông Võ Kỳ Nam đã được UBND tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh… tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Có thể bạn quan tâm

Một trong những bài học đắt giá cần được rút ra từ nạn thương lái Trung Quốc tranh mua nguồn tôm nguyên liệu vừa qua, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bỏ quên người nông dân; đồng thời vai trò của ngành quản lý chưa được phát huy. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gian thương và thương lái nước ngoài câu kết trục lợi.

Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.

Hiện nay tại xã Tân Lập I, huyện Tân Phước (Tiền Giang) có trên 22 hộ trồng gấc với diện tích là 3,5 ha, trong đó đã có 15 hộ cây gấc đã cho thu hoạch trái, số hộ còn lại mới vừa trồng loại cây này. Được biết hiện nay giá gấc đang được thương lái thu mua với giá khá cao, trọng lượng trái gấc từ 800 gram trở lên có giá 15.000 đồng/kg, còn nhẹ hơn thì dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà Trần Thoại Phương (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn mối. Từ nguồn lãi nuôi rắn mối, bà đầu tư mở thêm trại nuôi thỏ. Nhờ thế, mỗi tháng, trang trại của bà cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Tuần qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức xét duyệt đề cương đề tài “Ảnh hưởng của đệm lót sinh học lên năng suất và môi trường nuôi gà Tàu Vàng tại tỉnh Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thiết, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.