Người Đưa Đà Điểu Về Thạch Thất

Đó là anh Nguyễn Duy Liên ở đội 5, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Và cũng chính đà điểu đã giúp cho anh trở thành triệu phú.
Chúng tôi đến thăm trang trại đà điểu của anh Liên trong cái nắng như đổ lửa cuối hè, anh Liên đang cắt rau muống cho đà điểu ăn. Lau mồ hôi trên mặt, anh bảo: “Đà điểu rất thích ăn rau, nhất là rau muống trồng ở ruộng lúa này”.
Đà điểu đã đến với anh như một cái duyên. “Trong một lần ngồi quán uống nước ở chợ huyện, tôi nghe mọi người nói chuyện về mô hình nuôi đà điểu ở huyện Ba Vì, tôi mê luôn”- anh Liên kể.
Anh lên Ba Vì học kinh nghiệm, mua tài liệu nuôi đà điểu về đọc... Đọc xong, anh bàn với vợ đi vay tiền mua đà điểu giống về, xây dựng chuồng nuôi. “Khi nghe tôi đi vay tiền mua đà điểu về nuôi ai cũng ngăn cản. Mọi người bảo, những vật nuôi truyền thống như lợn, gà còn lỗ nặng, nói gì đến con vật lạ như đà điểu”- anh Liên nhớ lại. Nhưng anh vẫn quyết tâm con đường đi của mình, vay tiền mua gần 50 con đà điểu về nuôi. Lứa đà điểu đầu tiên, anh thu gần 400 triệu đồng, trừ mọi chi phí, lãi hơn 200 triệu đồng.
Đà điểu thương phẩm của anh đã nhanh chóng nổi tiếng không chỉ trong huyện, mà lan ra khắp thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Hiện, 700m2 trang trại của anh có gần 100 con đà điểu thương phẩm, mỗi năm đà điểu mang về cho gia đình anh gần 300 triệu đồng.
Theo anh Liên, đà điểu là loại ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là các loại cây, rau cỏ, phụ phẩm từ thóc, gạo… Khu vực nuôi đà điểu luôn phải sạch sẽ, nên nuôi cách ly với gia cầm và thủy cầm để tránh lây dịch bệnh. Đà điểu rất ít mắc bệnh, nhưng rất sợ tiếng ồn nên trang trại nuôi đà điểu phải tách biệt với khu dân cư và phải trồng nhiều cây xanh thì đà điểu mới nhanh lớn.
Hỏi dự định trong thời gian tới, anh bảo: “Tôi sẽ mở rộng trang trại, nuôi đà điểu giống cung cấp cho các hộ có nhu cầu”.
Bà con có nhu cầu mua hoặc tư vấn kỹ thuật nuôi đà điểu liên hệ với anh Nguyễn Duy Liên qua số điện thoại 0946580925.
Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê trong nước lao dốc do giá cà phê thế giới trên cả 2 sàn giao dịch chính đồng loạt giảm sâu. Trên sàn Liffe tại London, giá cà phê robusta giao tháng 5 giảm 81 USD, tương đương giảm xuống hơn 1.900 USD/tấn. Giá giao tháng 7 giảm 71 USD, tương đương giảm 3,53% xuống 2.011 USD/tấn.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ giữa tháng 3-2013, giá cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố ở mức 19.500-21.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 4, giá cá nhích lên 500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất dao động từ 23.000-23.500 đồng/kg. Ở thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ thì giá cá tra giống lại giảm 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Hiện giá cá tra giống loại 2 cm (khoảng 30 con/kg) ở mức 22.000 đồng/kg.

Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.

Có 7 hộ gia đình tại các xã An Cư, An Nghiệp, An Xuân, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh tham gia dự án. Với tổng kinh phí hơn 575 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khoa học công nghệ của huyện hỗ trợ hơn 111 triệu đồng, dự án đã được đầu tư nguồn con giống ban đầu 40 con, gồm 33 heo cái và 7 heo đực.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị), tại Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh có 10ha nuôi cá nước ngọt, đang trong thời kỳ phát triển, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng cá chết rải rác (chủ yếu là trắm cỏ), với trọng lượng bình quân 1kg/con do bị bệnh viêm ruột và xuất huyết.