Người Đưa Bưởi Diễn Về Trồng Ở Quý Quân

Mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đặng Văn Túc ở thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn-Tuyên Quang) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Ông cũng là người đầu tiên đưa bưởi Diễn về trồng ở đất này.
Quê gốc ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), năm 2008, sau một lần về thăm quê, ông Túc được giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Diễn. Nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế mới, ông quyết định đưa giống bưởi Diễn lên trồng ở Quý Quân. Đây là lựa chọn táo bạo khi chuyển từ trồng ngô, khoai, sắn sang trồng bưởi Diễn bởi trên địa bàn xã chưa có gia đình nào làm như vậy.
Những năm đầu, ông Túc khá vất vả trong việc cải tạo đất cho phù hợp với bưởi và việc chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cây. Nhờ cần mẫn, chịu khó học hỏi và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của huyện tổ chức, năm 2011, những quả bưởi đầu tiên đã cho thu hoạch, tạo tiền đề để ông mở rộng diện tích. Hơn 7 năm trồng bưởi Diễn, hiện ông đã có vườn bưởi rộng gần 8.000m2 với 800 gốc, hằng năm cho thu hoạch một vụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Bưởi Diễn có nhiều ưu điểm hơn các loại bưởi khác như màu quả vàng tươi, sau khi thu hái có thể để 15 - 20 ngày mà quả vẫn tươi, múi mọng nước nên bán được giá. Trung bình mỗi vụ, ông Túc thu hoạch trên 1 vạn quả bưởi, bình quân mỗi cây cho trên 100 quả, thương lái tới tận nhà thu hái với giá 12.000 - 15.000 đồng/quả, thu nhập trên 110 triệu đồng.
Ông Túc tâm sự: “Ưu điểm của bưởi Diễn là dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho năng suất khá. Sau 3 năm trồng là cây cho thu hoạch, giá cả lại ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Đánh giá về mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Túc, ông Mai Xuân Bắc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quý Quân kiêm Trưởng thôn 8 chia sẻ: “Khi về định cư ở đây, gia đình ông Túc rất khó khăn, nhưng gần đây đã ổn định hơn nhờ trồng bưởi Diễn. Do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên năm nào vườn bưởi cũng cho năng suất cao. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên bà con trong thôn đã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn”.
Nói về dự định của mình, ông Túc cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục trồng thêm 200 gốc, nâng số cây trong vườn lên 1.000 gốc. Từ thành công ban đầu, nhiều người dân trong vùng đã tìm đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.
Có thể bạn quan tâm

Phát triển rộng khắp ở cả khai thác lẫn chế biến hải sản, nghề cá ở xã ven biển xã Duy Hải (Duy Xuyên) đã giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 30-7-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa năm 2015. Thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra tình hình sâu bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn các huyện, thành, thị từ ngày 30/7 - 7/8, làm việc cả thứ 7, chủ nhật.

Bán một sọt ổi không đủ ăn tô phở, bán một sọt chanh không đủ tiền mua ổ bánh mì, khoai lang bỏ đống ngoài đồng, thanh long bán rẻ như cho… là tình cảnh của nông dân ĐBSCL hiện nay. Không phải từ bây giờ, mà tín hiệu trục trặc của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung - cầu của nó đã bộc lộ nhiều năm qua.

Ngày 15-8, tại TPHCM, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty TNHH De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia (DHFS - Safe Pork) ký biên bản hợp tác thiết lập chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Giống cây trồng biến đổi gien trở thành vấn đề nhạy cảm, dù ở các nước hay Việt Nam cũng có hai loại ý kiến khác nhau. Bên ủng hộ xem đây là tiến bộ khoa học giúp gia tăng sản lượng cây trồng mà phương pháp truyền thống không đáp ứng được.