Người đầu tiên nuôi vịt trời ở Quảng Ninh

Thấy Khương trăn trở, có người bạn “tham mưu”: Hay là cậu về Hải Hà cùng vợ chăm lũ “vịt trời”. Câu nói đó không làm Khương tự ái, trái lại trong đầu anh lại nảy ra ý tưởng “Hay ta về Hải Hà nuôi vịt trời. Nhà mình có đất rộng, lại có hồ ao, sợ gì không làm được mà ăn”. Trước đó, Khương vô tình xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam, thấy có anh Tô Quang Dần, xã Đông Phú, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nuôi vịt trời kiếm được tiền tỷ. Khương nghĩ “Hay mình thử làm theo xem sao…”.
Nghĩ là làm. Anh xin nghỉ việc, trở về quê xã Quảng Chính, khởi nghiệp bằng nghề nuôi vịt trời từ đầu năm 2013. Khi ấy cả huyện chưa có ai làm nghề này. Với đồng vốn ít ỏi ban đầu, Khương lên tận trang trại của anh Tô Quang Dần ở Bắc Giang mua 50 con vịt giống, giá 480.000 đồng/con mang về Hải Hà nuôi thử. Những ngày đầu mầy mò, trước mắt là làm quen với lũ vịt, thân thiện với chúng để nuôi theo hướng bán hoang dã, chứ không nuôi nhốt hay chăng lưới bên trên ao đầm như một số người từng làm.
Anh kể, từ nhỏ anh hay quan sát lũ chim ngoài đồng, thấy con trâu to lớn, có cặp sừng cong, vậy mà con chim vẫn đậu trên lưng. Trong khi con người nom hiền lành hơn, mà khi chim phát hiện từ đằng xa là chúng đã vụt bay mất. Khương nhận ra rằng chim có giác quan rất nhạy, rất chính xác, phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù; thường rất cẩn thận khi chọn nơi đậu, làm tổ. Cậu bé Khương đã từng nuôi chim sáo, chào mào. Không giống như người khác, sợ mất chim nên nhốt cẩn thận, Khương có cách nuôi chim thả rông, chiều tối chúng tự bay về lồng. Theo Khương thì vịt trời cũng vậy, nếu biết cách nuôi thì chúng cũng gần gũi với con người. Khương bảo: “Vịt trời rất khôn. Hàng ngày chúng bay đi kiếm ăn rất xa, tối quay về đúng nơi ở. Khi vịt trời bị nhốt, chúng rất yếu, thịt không ngon vì ít vận động, không ăn các đồ ăn tự nhiên như cua, cáy, ốc”.
Vịt trời nuôi thả rông, chiều tối lại rủ thêm những con vịt sống hoang dã theo về. Từ 50 con vịt ban đầu, đến nay chưa đầy 2 năm, đàn vịt của anh Khương có khoảng 700 con. Khương cho biết lúc vịt mới nở, anh cho vịt ăn cám của gà con, sau 20 ngày cho ăn cám của vịt đẻ, tới tháng thứ 3 cho toàn thóc, ngô. Vịt trời không ăn tôm, cá đã chết, chúng thường tìm bắt tôm, cá, cua ốc còn sống. Chính đặc điểm này khiến cho vịt vận động nhiều, rất ít mắc dịch bệnh. Những vịt con hoang dã rất khoẻ mạnh, Khương thường giữ lại làm vịt giống. Trứng vịt được Khương ấp nhân tạo. Nhưng vẫn có nhiều con không bỏ được lối sống hoang dã, thường tự tìm nơi đẻ rồi ấp trứng. Bởi vậy, trên diện tích gần 1ha ao nuôi vịt trời, Khương để nhiều bụi cây tự nhiên, tạo nơi cho vịt đẻ, ấp trứng. Dưới ao Khương thả nhiều cá, vừa có nguồn thu cá, lại vừa có nguồn thức ăn cho vịt.
Mới nuôi, doanh thu chưa được nhiều, hiện mới có Công ty Du lịch Trường Sơn ở TP Móng Cái là khách hàng mua vịt trời thường xuyên của Khương với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/con vịt 1kg. Cũng đã có những hộ chăn nuôi trong huyện tìm đến Khương học hỏi cách nuôi vịt trời và mua con giống. Ai đến học hỏi, anh đều chỉ bảo tận tình. Là người đầu tiên nuôi vịt trời trong tỉnh, bước đầu Đào Duy Khương đã tạo thêm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi đa dạng cho nông dân Hải Hà.
Có thể bạn quan tâm

Tuy chính quyền địa phương không khuyến khích nhưng nghề lặn khai thác thủy sản ở đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) ngày càng có nhiều ngư dân tham gia...

Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp với Trạm KNKN TP. Bà Rịa triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nuôi gà ta thả vườn an toàn sinh học” tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa). Đến nay, mô hình này bước đầu đã đạt những kết quả tốt.

Cách đây 3 – 4 năm về trước, phong trào nuôi động vật hoang dã ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu thị trường trầm lắng, "đầu ra" khó khăn, nhiều hộ gia đình chăn nuôi chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế khác.

Mô hình nuôi gà chuồng lạnh của hộ gia đình anh Trần Xuân Sơn, ở xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn - Nghệ An) được xem là mô hình mở ra hướng làm giàu mới.

Những ngày qua, khi gió bắt đầu chuyển bấc cũng là lúc các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu thả giống, đón đầu đợt tiêu thụ thịt trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.