Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư dân vùng rốn lũ Tân Châu trông chờ Mùa nước nổi

Ngư dân vùng rốn lũ Tân Châu trông chờ Mùa nước nổi
Ngày đăng: 10/09/2015

Hằng năm, khi lũ về, cao điểm vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, bà con lại phấn khởi đi chài, giăng lưới, giăng câu, đặt dớn… trên những cánh đồng ngập trong nước để đánh bắt thủy sản.

Trong đó nhiều nhất là cá linh, cá dãnh, cá mè vinh, rồi đến cá chốt, cá chạch... mỗi ngày bà con đem đi bán cũng được khoảng vài trăm ngàn đồng, có khi cả triệu và đây cũng là nguồn thu nhập chính của bà con mỗi khi con nước tràn đồng.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, bà con đang đứng trước cảnh nước vẫn chưa vào đồng. Những hộ dân đã đánh bắt thủy sản hàng chục năm nay nhờ vào mùa nước nổi cảm thấy bất ngờ và lo lắng. Ông Nguyễn Văn Buôl, người dân ấp 5, xã Vĩnh Xương đã 3 đời làm nghề đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi chia sẻ: “Hồi đó tới giờ tôi chưa từng thấy nước không có vào đồng như năm nay.

Tôi nuôi lươn, nuôi cá bông… hy vọng nước lũ về để mình đặt cái đú, giăng lưới kiếm mồi cho cá, lươn ăn, hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, con cái thì đang tuổi ăn học, tôi sống chủ yếu nhờ nước lũ mà tới giờ nước không về, không có ngập đồng gì hết, giờ tôi không biết phải làm sao nữa”.

Không riêng gì ông Nguyễn Văn Buôl, còn rất nhiều hộ dân sinh sống tại vùng “rốn” lũ đầu nguồn Tân Châu cũng lâm vào tình trạng khó khăn khi chưa có lũ. Bà con chỉ biết lấy lưới, lấy chài ra vá, lấy đú, lấy câu ra sửa lại rồi lại để vào kho, đi làm mướn cũng không ai thuê. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.

Là một ngư dân với hơn chục năm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, bà Nguyễn Thị Đẹp, ấp 5, xã Vĩnh Xương nói: “Mấy cái lưới, cái dớn, tôi chuẩn bị, sửa lại từ hồi tháng 4, mà bây giờ không giăng cũng không đặt được luôn. Nước không có rồi người ta đâu mướn mình mần, giờ không biết làm sao để kiếm tiền nữa. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho tôi cũng như bà con nơi đây một số vốn tạo công ăn việc làm để cuộc sống chúng tôi ổn định hơn”.

Trước đây mỗi khi lũ về bên cạnh mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng, nguồn lợi thủy sản, nhưng lũ cũng gây khó khăn cho đời sống người dân, lũ dâng cao tàn phá nhà cửa, công trình. Tuy nhiên nhiều năm qua, với phương châm sống chung với lũ, nhiều cụm tuyến dân cư được Nhà nước đầu tư để người dân vùng lũ sinh sống ổn định, vừa là hệ thống đê bao vững chắc khép kín tạo thành những vùng sản xuất kiểm soát lũ hiệu quả.

Lũ về không còn gây khó khăn cho đời sống mà mỗi khi mùa nước nổi về không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con, mà mùa nước nổi cũng là lúc vệ sinh đồng ruộng và nhiều công ăn việc làm cho nông dân cũng được mở ra không còn cảnh nhàn rổi chờ lũ rút như xưa. Thế mà, đến nay lũ vẫn chưa vào đồng, người dân cũng đang lo cho những công việc sắp tới.

Ông Phan Văn Nuôi – Trưởng Ban nhân dân ấp 5, xã Vĩnh Xương cho biết:“Vào mùa nước lớn điển hình như năm 2011 thì Chính quyền địa phương xã Vĩnh Xương hỗ trợ cho tất cả các bà con mình các ngư cụ và một số vốn nho nhỏ để tạo điều kiện cho bà con đánh bắt thủy sản để sinh sống trong mùa nước nổi.

Riêng năm 2015 này, thì mùa nước lại rất là trễ nên Chính quyền địa phương cũng rất là lo. Qua rằm tháng tám âm lịch coi mùa nước như thế nào rồi Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục để hỗ trợ cho bà con”.

Mong rằng, thời gian tới, nước sẽ về đồng, bà con vùng “rốn” lũ sẽ có những ngày khai thác thủy sản truyền thống cũng như các hoạt động sản xuất khác trong mùa lũ, kinh tế gia đình sẽ đỡ vất vả hơn và đặc biệt hình ảnh một mùa lũ “đẹp” sẽ trở lại cùng người dân đồng bằng sông nước.


Có thể bạn quan tâm

Liên Kết Làm Giàu Liên Kết Làm Giàu

Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.

03/02/2015
Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động

Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...

03/02/2015
Tạo Thế Đứng Vững Chắc Cho Cây Cà Phê Hướng Hóa Tạo Thế Đứng Vững Chắc Cho Cây Cà Phê Hướng Hóa

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

03/02/2015
Trên 6.400 Tỷ Đồng Cho Vay Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn Trên 6.400 Tỷ Đồng Cho Vay Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn

Doanh số cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thái Nguyên là 5.810 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 31-12-2014 là 4.146 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng dư nợ. Trong đó, doanh nghiệp vay 617 tỷ đồng; hộ sản xuất vay 3.529 tỷ đồng với 49.786 khách hàng.

03/02/2015
Bảo Đảm Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân Bảo Đảm Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân

Tuyến kênh N4A (dài hơn 1 km) chạy qua các xóm Lượt 1, Lượt 2 và tuyến kênh nhánh qua xóm Cầu Đá, Cây Thị, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) mới được Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2014.

03/02/2015