Ngư dân kêu cứu

Ông Đậu kể, lúc 23 giờ ngày 23.4.2015, tàu cá QNa-92933 có công suất 380CV hành nghề lưới Bạc Liêu cải tiến của gia đình hoạt động ở vị trí có tọa độ là 16 độ 4 phút vĩ Bắc, 108 độ 38 phút kinh Đông thì phát hiện có một chiếc tàu màu trắng, phía trước ca bin có in chữ Bình An chạy đến và ra hiệu liên lạc qua kênh A10.
Khi thuyền trưởng bắt tần số thì phương tiện này yêu cầu phải kéo lưới nhanh để tàu này đi qua. Lúc đó ông Đậu mới trả lời là cá mắc trong lưới quá nhiều, phải kéo đến sáng mai mới xong. Lập tức phương tiện đó yêu cầu tàu cá của ông Đậu phải buộc cột cờ xuống lưới, thả trôi lưới và đưa tàu cá đi xa khỏi phạm vi 5 hải lý để tàu Bình An đi qua. Sau khi tàu này đi qua sẽ thông báo vị trí lưới để tàu cá quay lại vớt.
Tuy nhiên, phương tiện này đi qua rất lâu nhưng sau đó không thông báo gì. Tàu cá QNa-92933 quay lại thì thấy cột cờ đã bị cắt đứt còn vàn lưới thì không còn tung tích. “Lúc đó tôi liên lạc với các tàu cá cùng sản xuất trong đội đoàn kết sản xuất trên biển đến tìm nhưng không phát hiện lưới đâu dù tìm mãi đến tận 18 giờ ngày 24.4. Thấy không hy vọng gì, chúng tôi đã cập bờ và đến báo cáo lại sự việc với Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP.Hội An)” - ông Đậu nói.
Tại buổi làm việc, ông Đậu đã báo cáo với Đồn Biên phòng Cửa Đại là bị cắt đứt tổng cộng 87 tấm lưới, thiệt hại hơn 250 triệu đồng. Ông Đậu cho biết thêm, ông và các thành viên trên tàu cá chỉ nhận được thông báo là không được khai thác hải sản ở vị trí đó vào thời điểm ngày 22.4.2015 trở về trước.
“Khi bị cắt lưới vào ngày 23.4.2015, chúng tôi thấy ngoài phương tiện có ghi chữ Bình An còn có thêm 3 tàu nhỏ làm vệ tinh đi cùng. Họ thông báo là khi đi qua vị trí chúng tôi thả lưới sẽ liên hệ lại để chúng tôi đến vớt lưới nhưng thực tế không như vậy. Rất có thể họ đã cắt lưới của chúng tôi rồi thản nhiên đi qua. Sự việc đã xảy ra hơn 2 tháng nay nhưng chúng tôi không được trợ giúp gì dù đã gõ cửa rất nhiều ngành chức năng. Rất mong các cơ quan vào cuộc xác minh điều này giúp chúng tôi” - ông Đậu nói thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng thời gian ngày 8.4.2014 - 22.4.2015, tàu Bình Minh 02 được phép thực hiện hoạt động thu nổ địa chấn 2D tại lô 116 ngoài khơi Việt Nam, bao gồm vị trí tàu cá của ông Đậu bị cắt lưới. Theo đó, trong thời gian này, các tàu cá không được khai thác hải sản trong phạm vi hoạt động của tàu Bình Minh 02 có sự bảo vệ của tàu Bình An 01 và một số tàu khác hộ tống.
Cả ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh lẫn đại diện Nghiệp đoàn Nghề cá Quảng Nam đều cho rằng, sự việc vừa nêu là rất đáng tiếc. Thiệt hại mà ngư dân phải gánh chịu là quá lớn. Thiết nghĩ, các ngành, các cấp cần khẩn trương vào cuộc, điều tra, làm sáng rõ sự vụ vừa nêu, giúp ngư dân giữ vững niềm tin, yên tâm trở lại ngư trường sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 20 năm với bao thăng trầm, nay đã trở thành tỷ phú.

Xuất hiện ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) từ năm 1991, giờ đây chăn nuôi thuỷ đặc sản ba ba đang trở thành một nghề mang lại thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở đây có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ nuôi ba ba.

Với những lợi thế về giá, khả năng kháng chịu dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đang giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng một năm.

Đến nay, 19/19 Hội ND các xã, thị trấn ở huyện Mường Tè đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017, bảo đảm thời gian, cơ cấu cán bộ Ban chấp hành hội

Mướp đắng (khổ qua) trồng được quanh năm, nhưng thích hợp nhất là mùa mưa. Nếu áp dụng màng phủ nông nghiệp sẽ cho năng suất cao, giá bán lại cao nên nông dân rất thích trồng trong vụ này.