Ngư Dân Bình Hải Được Mùa

Mới 5 giờ sáng, chợ Bình Hải (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã xôn xao tiếng kẻ mua người bán làm bừng dậy cả một vùng biển. Ngoài khơi, hàng chục chiếc tàu của ngư dân tiến vào bờ. Nhiều thúng chai được huy động chở ăm ắp cá, mực từ tàu vào bờ tiêu thụ. Trên gương mặt rám nắng của những ngư dân rạng rỡ niềm vui vì thành quả của một đêm “thức cùng biển” là cá, mực đầy khoang.
Trúng đậm cá
Tàu vừa neo cách bờ gần 100m đã nghe thấy tiếng của những ngư dân hô vang: “Hôm nay lại trúng lớn!”. Ngay lập tức những chiếc thúng vội vã “bơi” ra đón nhận những mẻ cá từ khoang tàu đưa xuống. Những con cá tươi lấp lánh ánh bạc trong bình minh. Từng khay cá đầy ắp được bày ra chật cả bãi biển, cảnh mua bán tấp nập.
Trở về sau phiên biển đầy thắng lợi, ngư dân Trịnh Văn Rạng ở thôn Phước Thiện không giấu được niềm vui: “Tàu tôi đánh được hơn 5 tấn cá lưỡi búa và cá nục. Cũng phiên biển này, nhưng năm ngoái các loại cá này đâu có được mùa thế. Ngày nào cũng được như thế này là vui rồi!”.
Theo ngư dân Rạng thì từ đầu năm đến giờ, dường như ngày nào ra khơi tàu ông cũng đánh bắt được khá nhiều cá. Bình quân mỗi chuyến ra khơi tàu đánh được từ 5 - 7 tấn cá lưỡi búa, cá nục. Cá biệt có chuyến được hơn 10 tấn, thu về cả trăm triệu đồng. Không chỉ ông Rạng mà mỗi chuyến biển của những con tàu hành nghề lưới vây đêm nơi đây kéo dài từ 2 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau vào bờ cũng đều đầy ắp cá.
Sau khi thu mua xong, các đầu nậu thuê người nhanh chóng gánh lên đường lớn, đưa lên xe đông lạnh để chở đi tiêu thụ ở các tỉnh Đà Nẵng, Huế… Từ đầu năm đến nay, giá các loại cá lưỡi búa, cá nục tương đối ổn định từ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Tuy giá không cao nhưng nhờ tàu thường xuyên trúng đậm, hơn nữa lại đánh bắt ở vùng biển gần bờ nên chi phí của mỗi chuyến biển thường thấp. Từ đó giúp nhiều ngư dân có thu nhập cao.
Được mùa mực
Không chỉ riêng cá được mùa mà những ngư dân hành nghề lưới vây mực cũng vui mừng không kém vì trúng đậm mực cơm. Ngư dân Bùi Đức Chính phấn khởi chia sẻ: “Được khoảng 3 tạ mực. Không bằng hôm trước, nhưng như thế là đạt rồi. So với năm ngoái thì năm nay được mùa hơn nhiều”. Do khai thác gần bờ nên mực ở đây còn tươi nguyên, ửng đỏ, nhấp nháy.
Ông Chính cho biết, hơn một tuần nay, trung bình mỗi đêm ông đánh được 2-3 tạ mực, bán được từ 10-15 triệu đồng, mỗi ngư dân thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể có hôm trúng lớn, ông thu được gần 3 tấn mực, bán được trên 100 triệu đồng.
Ở Bình Hải, mọi người thường hay nhắc đến chủ tàu Đỗ Văn Tín. Bởi tàu ông lúc nào cũng đánh được nhiều cá, mực nhất xã. Mỗi chuyến ra khơi, ông tranh thủ từng giờ, từng phút. Không chỉ chuyên nghề lưới vây đêm mà tàu ông còn chuyên cả nghề lưới vây ngày. Gặp cá ông đánh cá, gặp mực ông bắt mực. Chính vì thế mà hôm nào cập bến, tàu ông cũng mang về hàng tấn cá, mực. Có những hôm trúng đậm, tàu “quá tải”, ông Tín phải thuê thêm ghe rỗi để chở cá, mực đưa vào bờ.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu (XK) chè của Việt Nam đã gặp phải tình trạng chè đã xuất đi bị trả lại. Đây là hệ lụy của hệ thống sản xuất và quản lý nhiều vùng chè còn bất cập.

Câu chuyện các tổ chức, các bộ, ban, ngành liên quan đứng lên kêu gọi người dân mua ủng hộ nông sản Việt thời gian qua là nguồn động viên thiết thực, góp phần gỡ khó cho nông dân. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp căn cơ thì có lẽ kịch bản đó rất có thể lặp lại.

Trong khi các cơ quan chức năng đang đôn đáo tìm giải pháp tiêu thụ khi vải thu hoạch rộ thì trên thị trường lặp lại nghịch cảnh giá quả đầu vụ đắt đỏ dù chưa ngon.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.
Giai đoạn đầu mới thành lập, các nông - lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao quản lý một lượng lớn diện tích lớn đất rừng, đất sản xuất. Tuy nhiên, khi thay đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, các nông lâm trường phải tự hạch toán kinh doanh, chuyển thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó thực hiện cổ phần hóa thì vấn đề quản lý sử dụng đất đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy.