Ngũ Cốc Đồng Loạt Tăng Giá

Các loại ngũ cốc giao dịch trên sàn nông sản Chicago (Mỹ) đều tăng giá nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần này khi những căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu dịu bớt nhờ thông tin từ châu Âu và nhu cầu tăng tại Mỹ đối với các tài sản có độ rủi ro cao hơn như chứng khoán và hàng hóa.
Một nhà kinh doanh tại sàn thừa nhận rằng những yếu tố bên ngoài thị trường đã tác động đến giao dịch ngũ cốc tại Mỹ trong phiên đầu tuần này. Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo khu vực có những bước tiến trong kế hoạch giải quyết khủng hoảng nợ công và động thái này tạo lòng tin cho giới kinh doanh. Tại Mỹ, niềm tin trên thị trường cũng được cải thiện sau khi Công ty nghiên cứu ShopperTrak (có trụ sở tại Chicago) công bố số liệu sơ bộ cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong ngày “Thứ Sáu Đen” (ngày mở đầu cho mùa mua sắm vào dịp cuối năm ở Mỹ, năm nay rơi vào ngày 25/11) tăng 6,6% so với năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2006-2007 - đạt kỷ lục 11,4 tỷ USD.
Giới đầu tư luôn theo dõi sát sao tình hình trong ngày “Thứ Sáu Đen” để “bắt mạch sức khỏe” của nền kinh tế lớn thế giới, nơi hoạt động chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 70% GDP và đây là động lực chủ yếu giúp ngũ cốc Chicago tăng giá. Chốt phiên 28/11, giá ngô giao tháng 12/2011 tăng 8,5 xu (1,4%) lên 5,985 USD/bushel; giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 0,7% lên 5,93 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 1/2012 cũng tăng 1,3% lên 11,21 USD/bushel.
Trong phiên này, đồng USD yếu đi so với đồng euro, cùng với đà tăng mạnh của thị trường dầu mỏ, chứng khoán và vàng cũng góp phần hỗ trợ thị trường nông sản. Có một thông tin liên quan đến cung-cầu có lợi cho giá đậu tương, đó là việc Trung Quốc có thể mua thêm đậu tương của Mỹ trong năm tới.
(1 bushel ngô và đậu tương = 25,4 kg; 1 bushel lúa mỳ = 27,2 kg)
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, tình trạng nông, thủy sản XK của Việt Nam bị trả về được đánh giá khá nguy cấp. Bên cạnh nguyên nhân như sai bao bì, quy cách đóng gói, các sản phẩm còn bị thị trường NK chối từ do không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định.

Gần đây, tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), lượng hoa quả tươi Trung Quốc làm thủ tục thông quan rất nhiều, trung bình có từ 500 đến 600 tấn cam, lê, táo, dưa nhập khẩu mỗi ngày. Nhiều loại trái vụ xâm nhập thị trường trong nước, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao.

Từ ngày 3-11, UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc cấm nhập khoai tây Trung Quốc (TQ) vào chợ nông sản Đà Lạt (NSĐL). Đến sáng 5-11, tổ đã phát hiện một người chở khoảng 150 kg khoai tây TQ vào chợ.

Các cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 1 tấn gà hết hạn sử dụng, được một chủ cơ sở mua lại tận dụng cho cá ăn và bán cho người tiêu dùng.

Những trái xoài tươi Cát Chu của Việt Nam đã chính thức được bày bán lần đầu tiên tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản.