Ngôi Nhà Của Nông Dân Thành Đạt

Ngày 2.6, Hội nông dân (ND) tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” (CLB ND SXKD). Nhiều người kỳ vọng CLB sẽ là ngôi nhà chung, sân chơi bổ ích của những nhà nông thành đạt.
CLB quy tụ 45 ND SXKD giỏi cấp tỉnh và do Ban Thường vụ Hội ND tỉnh trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Số thành viên CLB sẽ được xét chọn, bổ sung theo từng năm.
Có kiến thức, biết sáng tạo
Có doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý thành đạt thì chúng tôi cũng phải phấn đấu trở thành ND thành đạt- đó là chia sẻ của lão nông Nguyễn Văn Mạnh, chủ trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô lớn thôn Đồng Quê, xã Mễ Sở (Văn Giang). Ông Mạnh lý giải, ND thành đạt ở góc độ dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong SXKD, đạt hiệu quả kinh tế, nuôi dạy con cái ăn học nên người và có điều kiện giúp đỡ cộng đồng…
Những chia sẻ của ông Mạnh được nhiều người đồng tình. Anh Nguyễn Văn Cảnh - chủ trang trại trồng nhãn lồng ở phường Lam Sơn, TP.Hưng Yên thổ lộ: “Thành công của ngày hôm nay là do tôi chịu khó học hỏi và tiếp tục phải học hỏi. Thiên nhiên có khắc nghiệt, nông nghiệp có rủi ro, nhưng kiến thức KHKT chuyên về cây nhãn, kỹ năng tay nghề giúp tôi hạn chế được những bất lợi của thiên nhiên. Ở nơi khác có thể mất mùa, nhưng 5-6 năm nay vườn nhãn nhà tôi toàn được mùa…”.
Trồng nhãn giỏi, có của ăn của để, không chỉ giúp anh Cảnh nuôi 3 đứa con ăn học, phương trưởng mà tạo điều kiện để anh nhiệt tình tham gia các họat động từ thiện xã hội, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những người còn khó khăn.
Chúng tôi gặp lại anh Phạm Năng Thành, trồng và kinh doanh chuối tiêu hồng giỏi ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu) sau hơn 2 năm. Thành khoe: “Bây giờ trong nhà em chả còn gì để sắm. Em mới xây nhà và mua xe hơi hết gần 3 tỷ đồng…”.
Đầu tàu của phong trào
Theo bà Trần Thị Tuyết Hương, công tác tiếp nhận, cung cấp thông tin, tuyên truyền về các mô hình SXKD tốt phải được các thành viên CLB coi trọng. Hầu hết các thành viên đều là các chủ trang trại, đề nghị các thành viên CLB nên đặt mua dài hạn ấn phẩm Trang Trại Việt- cẩm nang dành riêng cho ND SXKD giỏi nói chung, các chủ trang trại nói riêng.
Các thành viên CLB NDSXKD giỏi mỗi người một hoàn cảnh, sản xuất, kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung dễ nhận ra là họ là đại diện cho thế mạnh nhất hiện nay của bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đó là mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa, gà Đông Tảo, ba ba, trồng cam Canh, cam Vinh, nhãn lồng, chuối tiêu hồng…
Bà Trần Thị Tuyết Hương- Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc thành lập CLB NDSXKD giỏi để tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận, trao đổi, học hỏi kiến thức KHKT, thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp, tạo mối liên kết giữa các thành viên, giữa các thành viên với cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc giao lưu, các thành viên CLB phải là đầu tàu, hạt nhân nòng cốt trong phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản phẩm mật ong của Bảo Lộc hiện đã được xuất bán sang thị trường nước ngoài. Theo đó, Công ty TNHH Phong Sơn (Bảo Lộc) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh - tính đến thời điểm hiện tại xuất khẩu mật ong chúa sang thị trường Mỹ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mật ong của công ty đạt hơn 1,6 triệu USD.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Thú y 11 huyện, thị xã, thành phố quản lý chất lượng heo đực giống. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch 160 triệu đồng, từ nguồn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015.

Thông tin từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, do nguồn cung hạn chế đã khiến giá gà bán tại các trại chăn nuôi tăng khoảng 10 - 15% so với 2 tháng trước đó. Riêng gà ta bán tại trại cho thương lái đã tăng từ mức 60.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Những năm trước, gia đình bà Trần Thị Khiển ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc diện hộ nghèo của phường. Được sự giúp đỡ của địa phương, giờ đây gia đình bà đã vươn lên thành hộ khá nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp.

Các vùng sông, đầm phá ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), hay hạ lưu sông Hương thuộc xã Phú Thanh (Phú Vang), xã Hương Phong (Hương Trà)… có những trại vịt từ vài trăm con đến hàng ngàn con. Nguồn nước và môi trường ở đây khá thuận lợi cho việc nuôi thủy cầm. Gần một tuần nữa, các chủ trại có thể xuất bán để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Đoan ngọ.