Ngô chuyển gen giá giống cao, nông dân dè dặt

Chúng tôi về ấp 1, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, được anh Duy S, chủ một đại lý cấp 2, cho hay: "Vừa qua, đại lý cấp 1 ở TX Long Khánh giao về cho tôi mấy chục kg giống chuyển gen NK66Bt/GT để bán cùng với các loại giống ngô lai bình thường.
Trong khi các loại giống ngô lai như NK67, NK7328, NK72 có giá từ 116-118 ngàn/kg, kể cả giống DK 6919, 6818 của Cty Dekalb (còn gọi là Monsanto) bình quân 115 ngàn/kg, giống CP Thái Lan giá thấp hơn, từ 80-110 ngàn/kg, thì giống NK66 Bt/GT biến đổi gen được nhà phân phối bán cho đại lý cấp 1 là 205 ngàn/kg, cấp 1 giao lại cấp 2 là 210 ngàn đồng/kg (qui cách 1 kg/bao, 10 bao/thùng)".
"Mình bán ra nông dân phải đội lên 215 ngàn, lãi 5.000 đồng/kg, cao hơn 2 lần so với giá ngô bình thường. Do đây là giống mới nên nông dân chưa mặn mà lắm, sức mua còn chậm, có ngày bán ra chỉ vài ký" - anh S nói.
Nông dân Trần Văn Lắm, ấp 1, xã Sông Ray có 7 sào ngô, mua 5 kg giống NK66Bt/GT về trồng thử 2 sào, còn lại trồng giống ngô thông thường. "Tui chỉ mua mấy kg giống ngô biến đổi gen về trồng thử, đợi sau này thu hoạch, so sánh đối chứng coi giá thành mới biết giống nào có hiệu quả hơn" - ông Lắm nói.
Ông Lê Trọng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Ray cho biết, diện tích trồng ngô vụ hè thu năm 2015 của xã là 800 ha. Trồng ngô chi phí SX khá nặng, trong đó thuốc cỏ và công xịt, 1 ha mất khoảng 2,5 triệu đồng, riêng tiền công phun xịt đã là 150 ngàn/ngày; còn sâu đục thân (SĐT) thường phá hại vào giai đoạn chuẩn bị trỗ cờ, vào trái đóng hạt, thậm chí đục ngang cây làm mất năng suất nên phải mất thêm 1,5 triệu đồng/ha tiền thuốc phòng trừ.
"Hình thức canh tác giống ngô chuyển gen NK66Bt/GT không thay đổi gì nhiều so với các giống lai thường. Tuy nhiên, về quy trình canh tác thì có hai điểm chính khác biệt, đó là không phải phun thuốc trừ sâu đục thân và có thể phun trùm thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate để diệt cỏ tận gốc mà không ảnh hưởng gì đến cây ngô, giúp nông dân canh tác thuận tiện và dễ dàng hơn" (ông Ngô Lành, GĐ Thương mại Kỹ thuật Cty Syngenta VN). |
Vì thế, có giống ngô chuyển gen với ưu điểm là kháng SĐT và thuốc cỏ là nông dân rất mừng. Nhưng hiện chưa rầm rộ lắm, một phần do giá cao, phần khác kết quả thu hoạch thực tế chưa rõ thế nào nên người ta vừa trồng, vừa ngó là chính" - ông Sâm chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Thị Diệu, Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc, vụ hè thu diện tích trồng ngô toàn huyện là 5.300 ha, năng suất bình quân 8 tấn/ha với các giống ngắn ngày là DK6919, 6818, 8868; NK6326, NK72; CP333...
"Giống ngô chuyển gen NK66Bt/GT bắt đầu đưa xuống trồng ở tỉnh Đồng Nai từ vụ hè thu này thông qua nhà phân phối là Cty CP Khử trùng VN (VFC). Tuy nhiên, theo ghi nhận thì nông dân vẫn đang "tò mò" là chính, người trồng, người không.
Họ sẽ so sánh chi phí giữa SX giống ngô thường và biến đổi gen để từ đó có sự chọn lựa. Bởi về sâu đục thân trên cây bắp thì ở đâu cũng có, nhưng không phải ở cấp độ nguy hiểm, nông dân hiện đã biết cách phòng trừ, nên vấn đề ở đây là năng suất, chi phí để biết giống ngô nào có hiệu quả hơn" - bà Diệu nói.
Một đại diện của nhà phân phối VFC cho biết, giống NK 66Bt/GT do Cty Syngenta nhập khẩu, Cty VFC mua đứt bán đoạn, hiện đã đưa xuống cho các đại lý cấp 1 ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... với chính sách một giá bán tới tay nông dân để SX đại trà là 210 ngàn/kg.
"Đại lý cấp 2 bán cho nông dân giá như thế nào thì khó kiểm soát được" - vị này nói.
Được biết, từ tháng 3/2015, 3 giống ngô biến đổi gen là NK66Bt, NK66GT và NK66 Bt/GT được phép thương mại hóa đưa vào SX đại trà tại các vùng trồng ngô trên cả nước.
Trong đó, giống NK66 Bt/GT áp dụng cho vùng trồng ngô có áp lực cao về sâu đục thân và sử dụng thuốc trừ cỏ ở giai đoạn ngô 3-4 lá. Năng suất trung bình của giống này qua khảo nghiệm là 9,24 tấn/ha, vượt trội so với giống nền từ 12,4-37,5%.
Có thể bạn quan tâm

Nắng nóng kéo dài khiến các diện tích ngô của người dân ở các xã Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) bị mất mùa nghiêm trọng, người dân buộc lòng phải bán tháo ngô cây để giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

Đó là cặp dưa hấu được anh Phạm Văn Chơn (ngụ tổ 26, ấp Bình Phú, xã Hòa An, Chợ Mới, An Giang) mua về từ chợ Lấp Vò (Đồng Tháp) ngày 28 tháng chạp 2014. Đây là loại dưa vỏ xanh, ruột đỏ, có trọng lượng 5 kg/quả, với giá 3.000 đồng/kg. Sau khi để chưng trên bàn thờ vào dịp Tết, anh Chơn quên bẵng đến 2 tháng sau Tết, anh mới lấy một quả ra xẻ ăn, vỏ dưa còn rất giòn, ruột dưa đỏ, ngọt và mọng nước.

Vùng trồng khóm Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) rộng 500ha, năm 2014 bị bệnh héo đỏ lá, 6 tháng đầu năm 2015 gặp nắng hạn, cây khóm xuống sức làm giảm năng suất… Mặc dù hiện nay, giá khóm ổn định nhưng người trồng khóm không vui.

Ông Huỳnh Văn Lành, một chủ nuôi cá lồng bè cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 6 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác xuất hiện ở các bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Hiện 500 lồng nuôi ở tiểu khu này đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết.

Ngay từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhanh cho việc thu hoạch tôm vụ 1 nhưng hầu hết các hộ nuôi đều cùng chung cảnh lao đao vì thất thu.