Nghịch Lý Giá Trứng Từ Trang Trại Đến Chợ

Khoảng 1 tháng nay, trong khi giá trứng gà bán ra từ các trang trại liên tục giảm mạnh thì trên thị trường mặt hàng này vẫn giữ giá ở mức cao. Sự bất hợp lý trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm đang làm nản lòng người dân trong đầu tư tái đàn gia cầm.
Xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang hiện có tổng đàn gia cầm trên 435.000 con với hơn 1.200 hộ nuôi. Phong trào nuôi gà lấy trứng phát triển mạnh trong nhiều năm qua hiện đang trầm lắng, nhiều hộ dự định chuyển nghề. Nguyên nhân chính là do lợi nhuận từ chăn nuôi ngày càng sụt giảm, trong đó giá thu mua trứng của các cửa hàng, đại lý còn quá thấp so với giá thị trường.
Ông Phan Thành Nguyên, người dân xã Lương Hòa Lạc cho biết: “Nông dân bị rất nhiều rủi ro từ thức ăn tăng cao, dịch bệnh nhưng giá bán hiện nay chỉ khoảng 1.500 đồng/trứng, còn đại lý bán ra lại được hơn 2.500 đồng. Nhưng chúng tôi chỉ có thể bán như vậy bởi không thể bán lẻ được”.
Trong khi người chăn nuôi có nguy cơ lỗ vốn do giá trứng sụt giảm thì giới tiểu thương, đại lý, doanh nghiệp chỉ bỏ vốn mua đi bán lại đang hưởng lợi nhuận quá lớn. Bởi theo khảo sát, giá trứng gia cầm bán ở chợ, siêu thị đang gấp rưỡi, thậm chí có loại gấp đôi giá ở các trang trại. Việc này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt mà còn kìm hãm sức mua trên thị trường, tác động tiêu cực đến đầu ra của nông dân.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế cho rằng: “Thực trạng sản xuất thời gian qua ở ĐBSCL thể hiện sự thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Do đó chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét những chính sách nào còn bất cập thì sửa đổi, bổ sung”.
Sự bất hợp lý trong giá thu mua trứng một lần nữa cho thấy những yếu kém trong hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh doanh hiện nay khá rối rắm.
Nhiều người, nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng quản lý chưa chặt nên tình trạng làm giá, thao túng thị trường khá phổ biến. Thực tế này cũng xuất phát từ việc thiếu chiến lược xây dựng hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ hợp lý để hàng hóa Việt đủ sức chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm

Thiết bị câu sản xuất trong tỉnh có giá thành thấp hơn nhiều so với thiết bị nhập khẩu của Nhật Bản. Sản xuất thiết bị câu cá ngừ đại dương là nội dung bổ sung của đề tài nghiên cứu “Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương bằng câu tay, kết hợp ánh sáng” do Chi cục thực hiện từ tháng 1/2013- 10/2014.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng mô hình sản xuất đa canh - đa con nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất. Mô hình này giúp nhiều hộ nông dân từng bước vươn lên khá giàu.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 công ty là bị đơn bắt buộc lần này gồm có: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.

Thời gian gần đây, khu dân cư ở thôn Phong Lôi Đông (xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình) có nhiều ngôi nhà cao tầng mới mọc lên. Chủ của những dinh cơ này đều là những người nông dân chân lấm, tay bùn nhưng dám nghĩ dám làm, vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi lợn thịt thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hơn một năm nay, vào buổi sáng thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, người tiêu dùng lại tìm đến siêu thị IMEXCO (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang) mua thịt lợn sạch. Bà Nguyễn Thị Hoa, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cho biết, không chỉ sử dụng hằng ngày, gia đình còn mua làm ruốc gửi cho con học đại học tại Hà Nội.