Nghe thương lái gạ trồng chùm ngây, nông dân khóc ròng

Cây chùm ngây của bà con nông dân ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã cho thu hoạch lá, nhưng không có người mua
Nghe lời giới thiệu của tư thương đi bán cây giống nói chùm ngây bán rất được cho Trung Quốc, từ năm ngoái đến nay, nhiều hộ nông dân ở các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định (Thanh Hóa) đã trồng tự phát hàng chục hecta cây chùm ngây.
Đến đầu tháng 9 này, cây chùm ngây cho sản phẩm thu hoạch, nhưng bà con nông dân không biết bán ở đâu, đành chấp nhận thả nổi.
Theo phản ánh của bà con nông dân xã Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy), khoảng tháng 3-2014, có một nhóm tư thương ở tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh đến địa phương giới thiệu về cây chùm ngây, hứa sẽ cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Khi người dân đồng ý trồng, các tư thương bán giống chùm ngây với giá 170 triệu đồng/ha; đồng thời cam kết với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg lá chùm ngây tươi; 130.000 đồng/kg lá chùm ngây khô.
Đến khi ở Cẩm Thủy, Thạch Thành, Yên Định trồng được hàng chục hecta cây chùm ngây thì không thấy tư thương đi bán cây giống đến nữa.
Bước sang năm 2015, cây chùm ngây bắt đầu cho thu hoạch lá tươi, người nông dân dở khóc dở cười khi không thấy tư thương trở lại địa phương thu mua sản phẩm chùm ngây như cam kết ban đầu.
Anh Nguyễn Văn Luyện ở thị trấn Cẩm Thủy - người đang thu mua các sản phẩm từ cây chùm ngây - cho biết cây chùm ngây cho thu hoạch từ lá tươi, lá khô, hạt, thân cây để làm thức ăn, thực phẩm chức năng, chè, bột dinh dưỡng…
Mỗi năm cây chùm ngây cho thu hoạch khoảng 30-40 tấn lá tươi/ha. Do đầu ra không ổn định, nên giá của các loại sản phẩm từ cây chùm ngây hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và một số nước khác.
Hiện nay, giá thu mua lá tươi tại địa phương chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng xuất đi rất chậm, vì mỗi tháng thị trường Trung Quốc chỉ nhập khoảng 5 tấn. Do vậy, sản phẩm cây chùm ngây đang ùn ứ trong dân rất nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dũng - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy - cho biết cây chùm ngây không có tên trong danh mục cây trồng nông nghiệp của huyện, của tỉnh khuyến cáo bà con nông dân trồng hằng năm.
Do bà con nông dân địa phương trồng tự phát khoảng 25 ha cây chùm ngây trên đất bãi bồi ven sông Mã, đất đồi thấp, hiện cho năng suất khá cao, trong khi đầu ra của sản phẩm không ổn định, khiến bà con nông dân lo lắng.
Hiện nay, phòng chức năng, chính quyền địa phương đang tuyên truyền, khuyến cáo người dân không phát triển diện tích cây chùm ngây, khi chưa tìm được đầu mối bán sản phẩm ổn định hằng tháng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực tìm đầu mối để thu mua sản phẩm từ diện tích cây chùm ngây đã trồng thời gian qua cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Gần một tháng nay, bệnh trên heo liên tục xảy ra ở nhiều địa phương như TP Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Phú Hòa... tỉnh Phú Yên. Để “chống lại” bệnh, các hộ chăn nuôi vội bán chạy đàn, trong khi ngành chức năng gặp khó khăn trong quản lý.

Trước thực trạng dịch cúm gia cầm đã tái phát và xuất hiện tại năm tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình và Nam Định, Cục Thú y đã ban hành văn bản số 1286/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắcxin phòng bệnh cúm gia cầm do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc thú y trung ương (Navetco) sản xuất.

Gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chân trắng tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa) đã xuất bán tôm sớm hơn dự định. Tôm chỉ mới được thả nuôi hơn 2 tháng, kích cỡ hơn 140 con/kg đã được xuất bán với giá 83.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người dân lo ngại thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn nước dẫn vào đìa nuôi tôm thiếu và bị ô nhiễm, tôm rất dễ bị dịch bệnh.

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.