Nghệ An Chế Biến Sứa Ăn Liền Tại Diễn Châu

Tỉnh Nghệ An có bờ biển dài hơn 80 km, cũng nhiều tiềm năng về khai thác và chế biến thủy sản, trong đó có sứa con. Tuy nhiên, việc chế biến sản phẩm từ sứa còn nhiều hạn chế.
Các cơ sở chế biến chủ yếu phát triển theo kiểu tự phát, chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế, nên hiệu quả không cao. Mặt khác, trong quy trình sản xuất chưa xử lý tốt nước thải, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản quanh vùng. Để nghề chế biến mang lại hiệu quả kinh tế, việc áp dụng quy trình chế biến là điều cần thiết.
Một trong số ít những cơ sở chế biến sứa ăn liền uy tín, sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ nhiều nơi trong cả nước là Công ty cổ phần Thủy sản Vạn Phần - Diễn Châu.
Chúng tôi về xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu) khi trời đã quá trưa, vị mặn mòi của biển nồng nàn cả không gian. Đến thăm Xưởng chế biến của Công ty CPTS Vạn Phần - Diễn Châu khi công nhân vẫn miệt mài làm việc để kịp hàng giao cho khách vào ngày mai.
Anh Hoàng Ngọc Lân - Quản đốc phân xưởng, Chủ nhiệm Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chế biến Sứa thương phẩm ăn liền tại huyện Diễn Châu” cho biết: Chúng tôi được Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án chế biến sứa ăn liền từ tháng 11/2012, với tổng nguồn vốn là 1.275.680.000 đồng, trong đó, từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 499.700.000 đồng và vốn tự có của Công ty là 775.980.000 đồng.
Đến tháng 11/2014 này, dự án sẽ kết thúc, tuy nhiên, với công ty chúng tôi, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn sẽ tiếp tục, vì chúng tôi đã có thị trường tiêu thụ tại sác siêu thị cũng như ở các chợ trong và ngoài tỉnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dự án đã tiếp nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm sứa ăn liền của Công ty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định - tỉnh Nam Định với quy mô 20 tấn sứa ăn liền/2 năm, cho đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện dự án, Công ty CPTS Vạn phần - Diễn Châu đã xuất xưởng được hơn 14 tấn sản phẩm sứa ăn liền.
Một trong những yêu cầu của sản phẩm thực phẩm, là đối với sản phẩm sứa ăn liền, phải đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, công ty đã chú trọng đầu tư trang thiết bị đảm bảo hiệu quả sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm, bố trí khu chế biến riêng biệt với khu nhà ở, nhà làm việc. dụng cụ và máy móc đều đảm bảo đúng yêu cầu.
Chị Võ Thị Thanh - cán bộ kỹ thuật lâu năm của xưởng chế biến cho biết: Quy trình chế biến sứa ăn liền gồm 7 công đoạn, gồm: lựa chọn và sơ chế nguyên liệu; định hình; rửa, bài muối; xử lý nhiệt (chần); ngâm tẩm dung dịch (dấm ớt, tỏi, gừng); đóng gói, hút chân không và bảo quản sản phẩm. Bất cứ công đoạn sản xuất nào cũng yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, để sản phẩm xuất xưởng luôn đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người sử dụng.
Nhãn mác, bao bì cũng là yếu tố quyết định giá trị sản phẩm hàng hóa. Bao bì đóng gói là túi nhựa chuyên dụng. Công ty đã thiết kế nhãn mác bao bì theo quy chuẩn, với hình thức đẹp, bắt mắt và thể hiện được đặc trưng của thương hiệu Sứa ăn liền Vạn Phần. Trên bao bì có ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, công ty đã đầu tư mua máy hút chân không đóng gói sản phẩm sứa ăn liền, đảm bảo sản phẩm sạch, thời gian bảo quản lâu hơn và sản phẩm nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển.
Chị Nguyễn Thị Hải Hà - một người tiêu dùng ở Thành phố Vinh cho biết, sản phẩm chế biến sứa của Công ty CPTS Vạn phần - Diễn Châu sạch, không gợn cát, màu trắng tự nhiên, lại có sự đan xem, kết hợp với màu sắc của các gia vị ớt, tỏi, gừng... Sản phẩm có mùi thơm đặc trưng của sứa và gia vị, không có mùi tanh của sứa. Khi ăn có độ giòn, mùi vị mặn ngọt được kết hợp cân đối.
Là một dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh đang được triển khai, mô hình chế biến sứa thương phẩm ăn liền của Công ty CPTS Vạn phần - Diễn Châu chú trọng hướng tới phổ biến quy trình sản xuất tới người dân. Công ty đã kết hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, kênh 16 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện chương trình Hướng nghiệp nhà nông, hướng dẫn cho bà con cách chế biến sứa ăn liền nhằm mở rộng một phương thức sản xuất, góp phần tăng việc làm và thu nhập cho người dân ven biển.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định được chất lượng như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, mía tím… được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm giàu. Thế nhưng, nhiều nông hộ đang phải đối diện với bài toán khó giải về đầu ra cho sản phẩm.

Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Thái Bình). Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC.

Theo điều tra của Cục Thống kê tỉnh An Giang, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có xu hướng giảm. Số lượng heo trong tỉnh hiện có 170.000 con (giảm 7.325 con so cùng kỳ); gia cầm có 3,8 triệu con (giảm 483.641 con). Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn liên tục tăng cao dẫn đến chi phí chăn nuôi tăng theo.

Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá tra đạt gần 860 triệu USD, chỉ tăng 0,53% so cùng kỳ năm trước, trong đó, ở thị trường lớn EU lại tiếp tục giảm 15,6% so cùng kỳ. Theo đánh giá của bộ Công thương, nhu cầu thị trường EU sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường Mỹ, làm phát triển thêm thị phần ở Mỹ từ 17,2% tăng lên 20,6% trong năm 2012.

Gia đình ông Lê Văn Lộc, ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang hơn một tháng nay đang đứng ngồi không yên theo đàn chồn nhung đen. Từ mối quan hệ cá nhân với ông Đoàn Việt Châu (Hà Nội), gia đình ông Lộc đã nhận chồn nhung đen về nuôi.