Ngành Chăn Nuôi Năm 2014 Có Dấu Hiệu Khởi Sắc

Sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013.
Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4-5% so với năm 2013. Trong đó chăn nuôi lợn tăng gần 3%, gia cầm khoảng 5%, bò sữa khoảng 12% và thức ăn chăn nuôi khoảng 6%. Giá vật tư đầu vào không tăng, trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao. Giá lợn nạc bình quân trong năm từ 47.000-52.000 đồng/kg. Người dân chăn nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá cao.
Trong năm 2014 không bùng phát các ổ dịch lớn đe dọa ngành chăn nuôi của nước ta. Bên cạnh đó thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện, chất lượng con giống được quan tâm hơn, nhất là con giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cơ cấu sản xuất chăn nuôi chuyển đổi nhanh theo hướng trang trại, hộ chuyên nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và chuỗi sản phẩm khép kín thịt, trứng sạch tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang TP HCM, Đồng Nai… Công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi được tăng cường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi còn tồn tại một số khó khăn, trong đó: Năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành lại cao.
Như giá bò thịt của Úc bằng 1/2, giá lợn của Mỹ bằng 3/4 giá của Việt Nam. Kiểm soát dịch bệnh, chất lượng vật tư chăn nuôi còn nhiều bất cập, nhất là quản lý chất lượng con giống, môi trường chăn nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến ngành chăn nuôi; Chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi phát triển chậm và tự phát…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn luôn có nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, vấn đề quan trọng là làm sao để giúp nông dân, doanh nghiệp gia tăng năng suất, lợi nhuận, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Trong đó có 3 yếu tố quan trọng mà ngành chăn nuôi cần phải làm tốt hơn là giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là những yếu tố cần chú trọng khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Nguồn bài viết: http://vov.vn/doi-song/nganh-chan-nuoi-nam-2014-co-dau-hieu-khoi-sac-368485.vov
Có thể bạn quan tâm

Việc áp dụng CNSH trong nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nhằm hướng tới 3 mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện nay nông dân đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi vịt nhập đàn với số lượng lớn để thả vịt chạy đồng. Trong khi đó ngoài chủng vi rút gia cầm H5N1, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn xuất hiện cúm gia cầm H5N6 nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Nhằm mục cao chất lượng đàn trâu của tỉnh, 2 năm qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã thực hiện thành công mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah. Kết quả là đã tạo ra đàn nghé lai Murrah có trọng lượng lớn hơn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương.

Vụ mùa năm nay T.X Sông Công gieo cấy được gần 1.800 ha lúa. Trong đó diện tích lúa mùa sớm chiếm khoảng 1.000ha, còn lại là lúa mùa trung. Giống lúa chủ lực trồng trong vụ mùa này là Khang dân 18 chiếm khoảng 60% diện tích, các giống lúa lai chiếm 30% diện tích với các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: VL 20; Bio 404; Syn 6...

Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin Bộ đã chỉ đạo các Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan tham mưu cho tỉnh xem xét công nhận các cơ sở đủ điều kiện đóng tàu báo cáo Bộ. Sau đó, Bộ sẽ tập hợp thành một danh mục các cơ sở đủ điều kiện đóng, duy tu tàu cá vỏ thép để ngư dân lựa chọn, không ấn định đóng ở cơ sở nào.