Ngân Hàng Hỗ Trợ Nông Dân

Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Nuôi heo bằng công nghệ tiên tiến
Giữa tháng 9, chúng tôi đến trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Duy Tuấn (33 tuổi, trú thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Đây có lẽ là một trang trại thuộc hàng “độc” của xã Hòa Khương, bởi rộng chừng 220m2 nhưng tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng (chưa tính heo giống). Tất cả đều làm bằng hệ thống làm lạnh công nghiệp hiện đại. Sau khi hoàn thiện phần xây dựng, anh thử nghiệm 20 con heo nái được nhập từ Mỹ.
Đam mê nghề nuôi heo hơn 7 năm trước nhưng cứ theo kiểu nuôi truyền thống không đem lại hiệu quả cao, anh tìm hiểu công nghệ nuôi heo ở các nước tiên tiến, đặc biệt trong đó có giống heo được nhập từ Mỹ rất có chất lượng, tăng trưởng nhanh. Vì vậy, năm 2012, Nguyễn Duy Tuấn mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại. Anh vay Agribank Hòa Vang gần 1,1 tỷ đồng, hơn 400 triệu đồng từ các ngân hàng khác cộng vốn gia đình khoảng 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy mô 40 heo nái.
Đầu năm 2014, anh Tuấn nhập thí điểm 20 con heo nái của Mỹ, mỗi con nặng trên 40kg; sau 8 tháng nuôi, trọng lượng heo tăng lên 200kg/con, anh cho phối giống và đẻ lứa đầu tiên. “Heo con sau khi sinh ra được 21 ngày thì cai sữa và tiếp tục phối giống cho heo mẹ. Sau thời gian chăm sóc, hiện có 30/150 con heo thuộc lứa đầu chuẩn bị xuất chuồng, mỗi con nặng khoảng 100kg; giá thị trường bán khoảng 55.000 đồng/kg thịt hơi”, anh Tuấn vui mừng cho biết.
Ngoài 30 con heo sắp xuất chuồng, còn 120 con đang trong giai đoạn lớn. Mỗi ngày heo tăng 1kg. Dự định đầu năm 2015, anh Tuấn sẽ nhập thêm 20 con heo nái. “Tôi dự định tiếp tục đầu tư thêm một trang trại có quy mô lớn gấp đôi hiện tại”, anh Tuấn tiết lộ.
Hàng nghìn người được vay ưu đãi
Phó Giám đốc Agribank Hòa Vang Hùng Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp, nhất là Agribank Chi nhánh Đà Nẵng, thời gian qua đơn vị chú trọng cho vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó chủ yếu đầu tư trang trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rừng phủ xanh đồi trọc…
Tính đến cuối tháng 8-2014, có 2.598 khách hàng vay vốn, số dư nợ cho vay đạt 291 tỷ đồng. “Nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại, biết vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, kết hợp với hướng dẫn của cán bộ tín dụng, các hội đoàn thể nên đem lại hiệu quả cao, nhiều người đã vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Hùng Cường chia sẻ.
Ngoài trang trại nuôi heo quy mô, hiện đại của anh Nguyễn Duy Tuấn, anh Huỳnh Ngọc Nhẫn (xã Hòa Phú) cũng đã vay 600 triệu đồng; anh Mai Ngọc (xã Hòa Phú) vay gần 300 triệu đồng lập trang trại nuôi gà; anh Chu Văn Phong (xã Hòa Khương) vay 150 triệu đầu tư nuôi dê… Tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), nhiều hộ gia đình cũng mạnh dạn vay số tiền lớn để đầu tư nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.

Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn và trải đều ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thẩm định của các ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số vùng nuôi chưa đảm bảo về môi trường. Theo qui hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ có vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 2.400 ha. Hiện nay toàn tỉnh có 1.400 ha nằm trong vùng nuôi cá tra, ngoài ra còn có đến 225 ha nuôi ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho việc quản lý. Tình trạng trên xảy ra chủ yếu tại 03 huyện Tân Hồng, Tam Nông và Thanh Bình.