Ngân Hàng Đồng Hành Cùng Ngư Dân Bám Biển

Cùng với nhiều chương trình tặng quà cho người dân, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân. Nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với lãi suất ưu đãi 3%/năm đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dự thảo quy định hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đóng mới và cải hoán tàu cá đang được xây dựng và lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.
Để thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay đến ngư dân là 5%/năm, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ngư dân chỉ phải trả 3%/năm.
Chương trình này cũng khuyến khích chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của địa phương có thể hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh để tạo thêm điều kiện cho ngư dân có thể chỉ phải trả lãi suất thấp hơn. Điểm đặc biệt của dự thảo này là tất cả các con tàu đóng mới đều được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm.
Thông thường, tất cả các con tàu ra khơi đều được bảo hiểm. Đây là một chính sách rất quan trọng trong thời gian tới giúp ngân hàng và ngư dân có thêm cơ sở để xử lý những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu những chương trình ưu đãi, có thể cho ngư dân vay với lãi suất 0% nếu có mô hình quản lý tốt, để các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được nợ gốc của mình. Thời hạn cho vay có thể là 10-15 năm.
Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển vừa khai thác sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc hỗ trợ nguồn vốn giúp cải hoán tàu cũ, đóng mới tàu công suất lớn đang được hệ thống ngân hàng tích cực tham gia. Dẫn đầu hệ thống ngân hàng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ ngư dân là Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV).
Mới đây, BIDV đã công bố chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp (DN) để đóng/mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ.
Lãi suất cho vay đối với trung, dài hạn BIDV áp dụng là 2%/năm, ân hạn trong 1 năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày giải ngân đầu tiên); đối với vay vốn lưu động lãi suất là 5%/năm. Để cụ thể hóa chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ, BIDV đã ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn trị giá khoảng 150 tỷ đồng cho các DN và hộ ngư dân.
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương tại Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận nguồn vốn vay tại Vietcombank Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2018.
Chương trình được thực hiện với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.000 hội viên của 7 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh và các ngư dân Quảng Ngãi tiếp cận với nguồn vốn vay của Vietcombank Quảng Ngãi được nhanh gọn, thuận lợi hơn.
Từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 5, doanh số cho vay phát triển kinh tế biển của Vietcombank tại Quảng Ngãi đạt hơn 310 tỷ đồng. Nguồn vốn này tạo điều kiện cho các hộ ngư dân trong tỉnh mua, nâng cấp, đóng mới tàu cá. Nhiều tàu đóng mới và nâng cấp nâng công suất làm ăn hiệu quả từ 1- 2 tỷ đồng/năm, các chủ tàu luôn trả nợ đúng hạn.
Không đứng ngoài cuộc, nhiều NHTM cổ phần khác cũng đang có kế hoạch triển khai các chương trình tín dụng nhằm giúp ngư dân với lãi suất khá thấp.
Các ngân hàng cũng đang nghiên cứu chính sách tín dụng khuyến khích hộ gia đình, hợp tác xã và DN liên kết trong quá trình khai thác: Đóng tàu - khai thác - hậu cần thủy sản - tiêu thụ sản phẩm. Nếu mô hình liên kết khép kín này được thực hiện, ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi thêm về thời hạn, lãi suất cho vay và có thể miễn tài sản thế chấp.
Có thể bạn quan tâm

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.

Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.

Chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cũng đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng ốc hương, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích phát triển đại trà. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.

Tuy nhiên, để giúp người dân bám trụ với con cá rô đầu vuông, bên cạnh việc phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn nguồn gien, Hậu Giang cần phải tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu ra và cần có sự chung tay của các ngân hàng hỗ trợ người dân nguồn vốn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, đưa loại thủy sản này tìm lại chỗ đứng vốn có trên thị trường.