Nắng Nóng Bất Thường Đang Gây Hại Cho Người Trồng Ngô

Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, cả nước xuất hiện đợt nắng nóng kéo dài đột biến, nhất là tại các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên đã khiến hàng nghìn nông dân các vùng trồng ngô lo ngại.
Mặc dù thời tiết đang diễn ra bất thường nhưng nông dân ở nhiều nơi hiện vẫn giữ thói quen gieo tỉa như mọi năm, nhiều nơi vẫn gieo đón ngay sau khi thời tiết chuyển mùa với một vài cơn mưa rải rác. Thậm chí, người dân đã bắt đầu gieo tỉa vào dịp đầu tháng 5 khi chưa hề có mưa với niềm tin rằng, giống như mọi năm, mùa mưa sẽ bắt đầu trong vòng 7 đến 10 ngày tới.
Gia đình ông Trương Đình Cừ, Ấp 4, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai than thở, tỷ lệ cây ngô mọc không tới 70% nhưng gia đình ông vẫn phải chăm sóc tiếp cho kịp vụ hai. Không chỉ riêng ông Cừ mà rất nhiều nông dân khác ở khu vực Nam Bộ cũng cùng chung hiện trạng đau đầu này.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội nông dân Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, xã ông cũng mất hàng trăm ha phải gieo lại, gây tốn giống và rất nhiều chi phí đầu vào cho bà con.
Ở huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Đô Lương, tỉnh Nghệ An hiện đang có hàng chục nghìn ha bắp lai chết khô, không hạt do nắng nóng khốc liệt kéo dài. Bà Trần Thị Thiên Hương, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ lo lắng: “Với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay thì khả năng cây bắp kết hạt kém rất dễ xảy ra và chúng tôi lo ngại rằng nhiều diện tích trồng bắp tại tỉnh sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo Tiến sĩ Trần Kim Định, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, với tình hình khô hạn hiện nay, năng suất cây ngô vụ hè thu 2014 có thể sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng mất cây, cây yếu, kết hạt kém, trái chìa, bồ cào răng cưa, bắp đuôi chuột, thậm chí không hạt… xảy ra trên diện rộng và tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.
Ông khuyên bà con nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng vào các giai đoạn quan trọng của cây bắp, nhằm có biện pháp xử lý đồng ruộng kịp thời, hỗ trợ cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện có thể…
Để có những vụ mùa như ý, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết, tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nâng cao “tay nghề” trồng bắp để phát huy được tối đa tiềm năng năng suất của giống.
Có thể bạn quan tâm

Từ tháng thứ tư trở đi, người nuôi mới thả một lượng rất nhỏ thức ăn tươi để tôm nhanh cứng cáp, sau đó bổ sung thêm thức ăn công nghiệp; đặc biệt trong quá trình cho tôm ăn thức ăn tươi, người nuôi không bỏ thức ăn xuống lồng như cách nuôi truyền thống, mà cho vào túi lưới, bố trí đều trong các ô.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.

Những năm gần đây, một số nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp. Trong đó có nông dân Lê Minh Vân ngụ ấp Hòa Thới – Định Thành.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trà lúa này trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 45.382ha, chiếm 77% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 6,16 tấn/ha (tăng 5,4% so với cùng kỳ), còn lại 13.555ha lúa ở giai đoạn chắc xanh- chín.

Ông Tâm phấn khởi cho biết giống bưởi đường lá cam Bạch Đằng đã được hệ thống siêu thị Co.opMart thu mua. Hiện Co.opMart Bình Dương đã mua trực tiếp bưởi của gia đình ông với số lượng khoảng 50kg/ tuần, giá 30.000 đồng/kg.