Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mừng Giá Lúa, Lo Thời Tiết

Mừng Giá Lúa, Lo Thời Tiết
Ngày đăng: 05/11/2014

Bước vào đầu vụ thu đông 2014, nông dân phấn khởi vì giá lúa tươi các loại được thương lái mua tại ruộng hơn 5.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là tốt nhất trong nhiều vụ gần đây. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa trọn vẹn khi gặp mưa lớn liên tục, chi phí thu hoạch đội lên.

Nông dân một số địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đang bước vào thu hoạch lúa thu đông. Nhìn chung, tâm trạng người dân khá phấn khởi khi bán được giá cao, dù giá lúa có giảm nhẹ so với cách đây nửa tháng.

“Tôi cân lúa tươi tại chỗ được 5.200 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so vụ thu đông 2013. Những năm gần đây, giá lúa tươi ít khi lên mức 5.000 đồng/kg. Vụ hè thu mới đây, giá lúa chỉ có 4.200 đồng/kg, hộ nào thu hoạch trễ mới bán được 4.500 đồng/kg; còn vụ đông xuân 2013 – 2014, giá lúa cũng chỉ 4.300 – 4.400 đồng/kg (lúa tươi)” – ông Trương Thanh Hòa, nông dân ấp Hòa Đông (khu vực vành đai thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn), chia sẻ.

Với năng suất đạt gần 800 kg/công tầm cắt (khoảng 6,1 tấn/héc-ta), ông Hòa thu mỗi công được hơn 4,1 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 1,5 – 1,6 triệu đồng/công.

Tuy vui mừng khi lúa bán được giá cao nhưng do thời điểm gần thu hoạch gặp mưa lớn liên tục gây đổ ngã lúa, chân ruộng lún nên nông dân khu vực vành đai thị trấn Phú Hòa thu hoạch khá vất vả. Nông dân Huỳnh Văn Mật cho biết, đối với diện tích lúa bị đổ ngã nặng, buộc phải thuê cắt tay giá 500.000 đồng/công, thuê máy suốt và thu gom hết 150.000 đồng/công, kéo lúa ra giá 200.000 đồng/công.

“Tính ra, chi phí thu hoạch lúa đổ ngã hết 1/2 lợi nhuận của 3 tháng ròng canh tác. Đối với lúa đứng, mùa này thuê máy gặt đập liên hợp cũng cao hơn do họ chê nền ruộng lún, bình quân 260.000 đồng/công. Cũng may lúa bán được giá cao “gỡ” lại, chứ bằng giá vụ thu đông trước, chắc chẳng còn lời bao nhiêu” – ông Mật chia sẻ.

Cùng với nông dân khu vực đồng bằng, nông dân Khmer canh tác ruộng trên ở những khu vực chủ động được nước tưới của 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, vụ thu đông năm nay mang về cho bà con lợi nhuận rất lớn. Dù diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nhưng máy gặt đập liên hợp vẫn vào tận ruộng thu hoạch, bà con Khmer không phải tự cắt tay rồi thuê máy suốt như trước.

Nông dân Chau Siêng (ấp An Thuận, xã Châu Lăng, Tri Tôn) cho biết, ông vừa thu hoạch 12 công lúa ruộng trên (nhiều thửa đất), đạt bình quân 16 bao/công tầm cắt (gần 6,2 tấn/héc-ta). Thương lái cho xe tải vào đậu cặp đường lộ chính, nông dân chỉ cần thuê bò kéo lúa ra rồi bán lúa tươi. “Tôi bán được giá 5.100 đồng/kg, tính ra mỗi công lời được 1,5 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với canh tác phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên như trước đây” – ông Siêng vui mừng.

Do đặc thù ruộng trên, chân ruộng luôn khô ráo nên dù có mưa nhiều bà con cũng không lo. Với nông dân Cao Văn Út (ấp Pô Thi, xã An Cư, Tịnh Biên), vụ thu đông năm nay có thể coi là trúng mùa, được giá. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, tiết kiệm giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nên với 3,5 héc-ta đất ruộng trên (2,5 héc-ta đất nhà và 1 héc-ta thuê thêm), ông Út thu lợi nhuận mùa này gần 100 triệu đồng.

Chị Trương Thị Mai, thương lái chuyên thu mua lúa khu vực Châu Thành, Thoại Sơn, Long Xuyên cho biết, nguyên nhân giá lúa tăng từ đầu vụ thu đông đến nay do các kho lương thực ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đẩy mạnh “ăn” hàng, không bị dội khi nông dân ĐBSCL bước vào thu rộ như trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 31-10 đạt 435 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tuần trước và tháng trước nhưng tăng đến 40 USD/tấn so cùng kỳ 2013.

Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu tăng, kéo giá lúa trong nước tăng theo, có phần xuất phát từ việc Thái Lan trì hoãn bán 2 triệu tấn gạo trong vụ thu hoạch tới nhằm duy trì giá có lợi cho nông dân Thái Lan. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo của một số quốc gia sẽ tăng do sản lượng năm 2014 giảm, trong khi nhu cầu ổn định.

Vụ thu đông 2014, toàn tỉnh xuống giống 153.926 héc-ta lúa (đạt 101% kế hoạch) và 12.493 héc-ta hoa màu (78% kế hoạch). Năng suất lúa thu đông đạt bình quân khoảng 6 tấn/héc-ta. Ước cả năm 2014, tổng diện tích gieo trồng đạt khoảng 687.849 héc-ta, bằng 98,08% so cùng kỳ.

Trong đó, diện tích lúa giảm 16.254 héc-ta (đạt 625.086 héc-ta), hoa màu tăng 2.800 héc-ta (đạt 62.763 héc-ta). Tuy diện tích giảm nhưng ước sản lượng lúa đạt trên 4 triệu tấn, tăng 0,42% so năm 2013.


Có thể bạn quan tâm

Sẽ Đưa Vải Thiều Sang Nhật Bản, Châu Âu Sẽ Đưa Vải Thiều Sang Nhật Bản, Châu Âu

Nhằm phát triển cây vải thiều bền vững, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang không chỉ chủ động hỗ trợ người dân về mặt sản xuất, mà còn đẩy mạnh chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra ổn định cho quả vải.

07/06/2014
Bảo Hiểm Nông Nghiệp Giúp Nông Dân Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Bảo Hiểm Nông Nghiệp Giúp Nông Dân Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững

Tam Dương là một trong 3 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, BHNN đã giúp nông dân trong huyện yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

19/05/2014
Rong Mơ Mất Giá Rong Mơ Mất Giá

Nghề khai thác rong mơ đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đông, xã Ninh Vân) có thu nhập khá cao trong suốt thời gian dài. “Những năm trước, khai thác rong mơ là nghề hái ra tiền ở xã Ninh Vân, vì vậy cứ tới mùa rong mơ (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) là cả làng đi biển, lặn rong.

09/06/2014
Cần Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học Cần Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học

Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi, nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

09/06/2014
Đệm Lót Cho Heo, Gà Đệm Lót Cho Heo, Gà

Đồng Nai hiện có hàng chục trang trại và hộ nông dân đã ứng dụng thành công chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Đây là cách chăn nuôi tiên tiến mà đề án phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2015 khuyến khích nhân rộng.

19/05/2014