Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đệm Lót Cho Heo, Gà

Đệm Lót Cho Heo, Gà
Ngày đăng: 19/05/2014

Đồng Nai hiện có hàng chục trang trại và hộ nông dân đã ứng dụng thành công chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Đây là cách chăn nuôi tiên tiến mà đề án phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2015 khuyến khích nhân rộng.

Trại gà cả chục ngàn con của ông Phạm Công Kiệt (huyện Trảng Bom) dùng men vi sinh để xử lý chất thải, mùi hôi.

Với nhiều ưu điểm, như: thân thiện với môi trường, giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh và giảm tỷ lệ hao hụt của vật nuôi… mô hình này thu hút được sự quan tâm của nông dân.

Thân thiện với môi trường

Theo một số chủ trang trại tại Đồng Nai đang ứng dụng mô hình này, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học không có nước thải, khử được mùi hôi. Ứng dụng này còn giúp nông dân giảm chi phí nhân công, tiền điện vì không phải tắm heo, dọn chuồng; không mất chi phí xây dựng hầm biogas...

Chi phí đầu tư tấm đệm sinh học cao hơn khoảng 30% so với cách nuôi truyền thống trên nền xi măng. Tuy nhiên, lớp lót chuồng sau chăn nuôi cũng là nguồn lợi nhuận không nhỏ vì là phân bón rất tốt cho cây trồng.

Theo chuyên gia về chăn nuôi bằng đệm lót sinh học - GS.TS Trương Thanh Cảnh, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh - biện pháp này đã được ứng dụng thành công tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Có ý kiến cho rằng mô hình này không phù hợp với vùng khí hậu nắng nóng. “Đi thực tế, tôi thấy nông dân Đồng Nai làm rất sáng tạo. Người chăn nuôi đã lợp chuồng trại bằng tấm lợp sinh học và làm hệ thống phun sương để khắc phục ảnh hưởng bất lợi của thời tiết” - ông Cảnh nhận xét.

Ông Diệc Lộc, nông dân đã có 3 năm nuôi gà bằng đệm lót sinh học tại xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Tuy trại gà nằm tách biệt với khu dân cư nhưng lại dựng ngay trong khuôn viên vườn nhà nên tôi rất quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, mùi hôi.

Nhờ sử dụng đệm lót sinh học, môi trường chăn nuôi sạch sẽ nên vừa ít tốn công dọn vệ sinh, nguy cơ dịch bệnh cũng giảm hẳn. Đệm lót sinh học chỉ là một lớp vỏ trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh nên chi phí đầu tư không quá cao, các hộ chăn nuôi có thể dễ dàng làm theo”.

Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã được một số nông dân tại địa phương ứng dụng thành công. Đây là mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường nên được địa phương khuyến khích nhân rộng. Trong năm 2014, đề án phát triển kinh tế trang trại của tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí cho 10 trang trại nuôi heo của huyện làm theo cách này.

Cần chọn lọc

Chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã được Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai thực hiện thí điểm tại nhiều hộ nông dân ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, theo ý kiến của cả chuyên gia và những người nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, việc ứng dụng mô hình này cần có sự chọn lọc và chuẩn bị tốt chứ không nên phát triển ào ạt theo phong trào.

Đệm lót sinh học là một lớp nền dày được tạo ra từ hỗn hợp trấu, mùn cưa và một loại men vi sinh. Chất thải của vật nuôi sẽ được chuyển hóa thành mùn, không có nước thải, giảm mùi hôi đồng thời tạo ra những vi khuẩn có lợi cho vật nuôi. Đệm sinh học có thể dùng được cho cả heo và các loại gia cầm.

Ông Phạm Văn Đức, nông dân tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Trong giai đoạn vừa qua, thời tiết oi bức, lớp đệm sinh học lại sinh nhiệt nên sức ăn của đàn heo giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Chính vì vậy, khi ứng dụng, người chăn nuôi cần tìm hiểu về môi trường khí hậu và chuẩn bị về mặt kỹ thuật để ứng dụng một cách phù hợp vào thực tế”.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Đây là mô hình chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng nhiều ở các nước phát triển. Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh đang khuyến khích nông dân ứng dụng. Tuy nhiên, cần dựa trên nền tảng đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất và kiến thức.

Cụ thể, ưu điểm hạn chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt của vật nuôi chỉ đạt được khi người chăn nuôi làm tốt công tác tiêm phòng và kiểm soát tốt dịch bệnh”.


Có thể bạn quan tâm

Thanh Long Nghịch Vụ Rớt Một Nửa Giá Thanh Long Nghịch Vụ Rớt Một Nửa Giá

Nông dân Nguyễn Văn Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết, chưa năm nào giá thanh long nghịch vụ lại rớt giá thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 8.000-12.000đ/kg (tùy loại), giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái.

21/01/2015
Thu Hơn 2 Tỷ Trong 3 Tuần Nhờ Thu Hơn 2 Tỷ Trong 3 Tuần Nhờ "Tôm Hùm Nhí"

Cách đây 20 ngày, giá 1 con tôm sao được thu mua đến 380.000đ/con, hiện nay đã giảm, nhưng vẫn còn đứng giá 300.000đ/con. Giá đã cao, tôm hùm giống lại xuất hiện dày nên những hộ chuyên hành nghề đánh bắt tôm hùm giống ở Trung Lương ai nấy đều bội thu sau mỗi chuyến biển.

21/01/2015
Bổ Sung Hơn 321 Tỷ Đồng Bảo Vệ Đất Trồng Lúa Bổ Sung Hơn 321 Tỷ Đồng Bảo Vệ Đất Trồng Lúa

Đối với các địa phương chưa được xem xét bổ sung kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

21/01/2015
77,8 Tỉ Đồng Xây Dựng Bến Cá Tân Phụng Và Bến Cá Nhơn Lý 77,8 Tỉ Đồng Xây Dựng Bến Cá Tân Phụng Và Bến Cá Nhơn Lý

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến cá Tân Phụng, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và bến cá Nhơn Lý, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Bình Định.

22/01/2015
Hà Nội Tăng Cường Quản Lý An Toàn Thực Phẩm Hà Nội Tăng Cường Quản Lý An Toàn Thực Phẩm

Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý giữa các đơn vị thuộc sở, giữa các sở, ngành, quận, huyện, xã để tránh chồng chéo…

22/01/2015